Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo điều hành những tháng cuối năm là tuyệt đối không chủ quan.
Chiều ngày 2/10, chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, cùng ngày Chính phủ đã họp phiên thường kỳ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 9 tháng.
“Chúng ta đã đi được 3/4 chặng đường của năm 2019 với những thành tựu đáng mừng đặc biệt về kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo đó, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế trên thế giới đang chậm lại, thậm chí đối mặt khủng hoảng, thì tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam nổi lên nhiều điểm sáng đáng mừng như tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 9 năm qua.
Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây
Từ phía cung, tăng trưởng có sự đóng góp lớn của khu vực công nghiệp-xây dựng với mức tăng 9,56%. “Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng với mức tăng cao nhất trong 4 năm qua, là động lực chính của tăng trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về phía cầu, xuất khẩu tăng khá, xuất siêu đạt cao nhất, 5,9 tỷ USD. Sức mua đạt khá. Đầu tư FDI và tư nhân đạt kết quả rất tích cực.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 34,3% GDP và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, cơ bản đạt mục tiêu Quốc hội giao. Trong đó, khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (45,3%) và có tốc độ tăng cao nhất (16,9%).
Giải ngân vốn FDI 9 ước đạt 14,22 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư, chiếm tỷ trọng hơn 69% tổng số vốn đăng ký.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,32% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 2,5%, hướng tới mục tiêu vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ.
Đặc biệt, trong 9 tháng, có hơn 102.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 6% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
“Kết quả trên khẳng định năm 2019 chúng ta sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12 chỉ tiêu đề ra, trong đó dự kiến, 50% chỉ tiêu đạt và 50% số chỉ tiêu sẽ vượt. Đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng dự kiến 6,9% và có thể duy trì trong các năm tới”, Bộ trưởng nói.
Có thể bạn quan tâm
09:56, 02/10/2019
11:00, 02/10/2019
14:19, 01/10/2019
Tuy nhiên, Người phát ngôn Chính phủ cũng lưu ý một số rủi ro, thách thức, tồn tại. Từ bên ngoài, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn phức tạp, khó lường. Sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của cả thế giới, rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Còn vấn đề nội tại, giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến.
“Nông nghiệp gặp khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ 3 năm qua. Một số dự án giao thông trọng điểm chậm trễ mà chưa hẹn thời gian hoàn thành. Giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, 9 tháng mới đạt 45,7%, thấp hơn so với cùng kỳ dù đã đưa ra nhiều giải pháp về thực thi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, đặc biệt là với DNNVV. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản thấp do giá sụt giảm của một số mặt hàng. Thể chế phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ chậm được ban hành.
Bên cạnh đó, một số vấn đề xã hội gây bức xúc thời gian qua, nhất là xảy ra các vụ án giết người dã man, tai nạn giao thông nghiêm trọng, dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, tín dụng đen, ô nhiễm môi trường, úng lụt…
Do đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo điều hành những tháng cuối năm là tuyệt đối không chủ quan, tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể, khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém.
Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có vấn đề giải ngân, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
“Vẫn đặt vấn đề trọng tâm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Thủ tướng cũng đề nghị đánh giá đầy đủ tác động của xung đột thương mại giữa các nước lớn đối với nước ta hơn nữa”, Người phát ngôn Chính phủ cho biết.
Còn nhiều vấn đề liên quan bộ máy công quyền, gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng đã yêu cầu lần này đánh giá thi đua, phải xem xét môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương.