Thủ tướng: Cương quyết không để dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM

MINH CHÂU 13/05/2021 14:39

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc Thường trực Chính phủ có thể ngồi họp với lãnh đạo TP.HCM hôm nay chứng tỏ thành quả kiểm soát dịch tốt.

11h44 ngày 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo TP.HCM. Thủ tướng đã lắng nghe báo cáo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và 12 ý kiến của bộ, ban, ngành, địa phương. Theo Thủ tướng, những kiến nghị thể hiện nhu cầu cấp bách và trách nhiệm của thành phố. Trước buổi làm việc, thành phố đã gửi tài liệu rất đầy đủ cho lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định TP.HCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP và tổng ngân sách. Thời gian qua, thành phố cũng đạt được những thành tựu quan trọng về hiệu quả đầu tư.

TP.HCM đề xuất nhiều vấn đề trong cuộc làm việc với Thủ tướng sáng 13/5.

TP.HCM đề xuất nhiều vấn đề trong cuộc làm việc với Thủ tướng sáng 13/5.

Thủ tướng đặc biệt biểu dương thành quả kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 mặc dù TP.HCM là địa phương có nguy cơ cao. "Giờ này chúng ta có thể ngồi họp ở đây chứng tỏ thành quả chống dịch của TP.HCM", Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định TP.HCM đã đạt được mục tiêu kép nhưng Thủ tướng lưu ý lãnh đạo TP tiếp tục cảnh giác với các nguy cơ lây nhiễm. "Cương quyết không để dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM", ông nói.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định cần đầu tư cho TP.HCM mạnh hơn nữa để tạo động lực cho các địa phương khác đi lên. Ông Thành cho rằng ngân sách Trung ương nên tăng cường thêm cho thành phố để làm nguồn lực đầu tư hiện đại hóa, mở rộng không gian đô thị.

Về tỷ lệ điều tiết ngân sách, ông chia sẻ tỷ lệ ngân sách để lại của TP.HCM thấp hơn so với bình quân một triệu dân. Do đó, ông đồng tình nên có chủ trương tăng đầu tư cho TP.HCM.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng TP.HCM cần khai thác thêm các nguồn lực hiện có. "Nguồn ngân sách rất lớn nhưng hình như còn bỏ sót. Hiện nay một số địa phương có nguồn thu lớn từ phí cảng biển. Ví dụ, Hải Phòng vừa rồi thu hơn 10.000 tỷ đồng. TP.HCM bắt đầu thu từ tháng 7 thì từ chỗ này nên rà soát nguồn thu", ông Thành kiến nghị.

Về phương pháp, cách thức triển khai kết cấu hạ tầng, ông Thành dẫn chứng Quảng Ninh đã làm rất tốt. Nhiều địa phương đi đầu trong phát triển hạ tầng đang dùng ngân sách của mình để giải phóng mặt bằng, còn lại kêu gọi đầu tư PPP (đối tác công tư). Trước sự thành công của mô hình này, Phó thủ tướng cho rằng các dự án giao thông của TP.HCM cũng nên áp dụng vừa kết hợp đầu tư công, vừa kết hợp xã hội hóa nguồn lực. Nhưng chủ yếu, địa phương phải lo được việc giải phóng mặt bằng, còn lại là PPP.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo với Thủ tướng về tình hình kinh tế - xã hội của TP, đặc biệt tập trung vào cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định TP đã chuẩn bị nhiều phương án để phòng, chống dịch Covid-19

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định TP đã chuẩn bị nhiều phương án để phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định, đây là cuộc chiến thực sự, thành phố chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phát triển dài hạn. Trong chiến lược phòng, chống COVID-19, ông Phong cho rằng giữa phòng ngự và tấn công thì tấn công là chính.

Từ thời điểm bùng phát dịch trở lại, TP.HCM đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng đối với nhóm nguy cơ cao ở bệnh viện, cơ sở tôn giáo, khu công nghiệp, khu dân cư. Cho đến nay, các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, vẫn còn hàng nghìn mẫu đang chờ. TP.HCM cũng đề xuất chủ động mua vaccine từ nguồn kinh phí của thành phố và nguồn xã hội hóa.

Chủ tịch TP cũng đề xuất nhiều phương án tương ứng với 6 nhóm nguy cơ bùng phát dịch. "Nâng cao sàng lọc dịch bệnh cao nhất ở khu vực bệnh viện, khu công nghiệp, xét nghiệm hàng tuần thậm chí là hàng ngày với nhóm nguy cơ cao. Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm nếu để người cách ly đi ra khỏi nhà", ông Phong khẳng định.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép cơ sở lưu trú chứa chấp người nhập cảnh trái phép. TP đã lên phương án dự trù về bệnh viện điều trị, khu cách ly, sinh phẩm xét nghiệm chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh như chỉ đạo của Thủ tướng.

Song song, với vị trí là trung tâm kinh tế, tài chính, TP.HCM cũng không từ bỏ mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ra chỉ thị về việc tăng cường biện pháp phòng, chống cũng như kiểm soát dịch COVID-19.

Trong đó, ông yêu cầu Cục Y tế Dự phòng xây dựng kịch bản 30.000 người mắc COVID-19. Từ kịch bản này, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Với các cơ sở khám, chữa bệnh, ông Long yêu cầu người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo thực hiện nghiêm sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát bệnh nhân.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ra chỉ thị về việc tăng cường biện pháp phòng, chống cũng như kiểm soát dịch COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ra chỉ thị về việc tăng cường biện pháp phòng, chống cũng như kiểm soát dịch COVID-19.

Ngoài ra, những cơ sở này cũng được yêu cầu đẩy mạnh giãn cách trong bệnh viện, thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, đồng thời cập nhật các phác đồ điều trị COVID19, xét nghiệm sàng lọc với nhân viên y tế cũng như đảm bảo vật tư, trang thiết bị.

Các sơ sở y tế dự phòng cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, khoanh vùng nhanh và gọn nhất có thể khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, các đơn vị này nên tăng cường áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu cho UBND xây dựng phương án phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Bên cạnh đó, các sở cũng phải phối hợp đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh việc cách ly tập trung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Các vụ, cục liên quan cũng được đề nghị đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện ở mức độ cao nhất.

Theo Bộ trưởng Y tế, cả nước cần tiếp tục chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, đồng thời thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bệnh viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương phải đối mặt với "cơn bão" COVID-19 lớn nhất?

    10:24, 13/05/2021

  • "Sứ mệnh" của chiếc khẩu trang trong mùa dịch COVID-19

    06:57, 13/05/2021

  • Doanh nghiệp Việt sẽ được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 mới?

    11:00, 13/05/2021

  • Thấy gì từ cách khoanh vùng, khống chế dịch COVID 19 ở Nghệ An?

    04:30, 13/05/2021

  • Đa số người mắc COVID-19 không có triệu chứng, đo nhiệt độ không thể phát hiện được

    18:11, 12/05/2021

  • Đà Nẵng diệt khuẩn một khu công nghiệp vì có ca nhiễm COVID-19

    12:59, 12/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng: Cương quyết không để dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO