Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư của Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018 sáng ngày 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chính tinh thần, nhiệt huyết của các doanh nghiệp là “liều thuốc” tinh thần động viên, thúc đẩy Chính phủ phải mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa.
“Tôi đã ghi không sót một ý kiến nào. Những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp là những trăn trở cho sự phát triển hùng cường của Việt Nam”, Thủ tướng đánh giá.
Được biết, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2018, điều này cho thấy kinh tế thế giới 2018 đã không được như kỳ vọng, đồng thời đối mặt với nhiều xu hướng bất lợi mới. Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết vẫn luôn có những cơ hội hợp tác rộng mở từ niềm tin toàn cầu hoá.
“Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước đạt mức 7% là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, lần đầu tiên Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn vượt lên cả Trung Quốc, thu hút đầu từ nước ngoài cũng đạt hơn 30 tỷ USD”, Thủ tướng cho biết.
Đặc biệt, tăng trưởng cao như vậy nhưng Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh vĩ mô, thâm hụt ngân sách và nợ công giảm mạnh. Chứng khoán đang ổn định và đạt mức gần 1000 điểm, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, chỉ số đổi mới sáng tạo, triển vọng kinh tế được đánh giá ổn định, điều này minh chứng cho niềm tin, sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp với môi trg của Việt Nam.
“Việt Nam đã trở thành là điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI ra toàn cầu. Các doanh nghiệp FDI là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Có thể thấy, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có 27.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn trên 335 tỷ USD. Đặc biệt, xu hướng đầu tư vào Việt Nam được nhận định là tiếp tục gia tăng, nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Đầu tư vào Việt Nam là xu hướng của năm châu”.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng chứng minh có thể nuôi dưỡng ra nhiều tập đoàn lớn vươn ra thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt là thành viên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Theo đó, nhiều doanh nghiệp Việt không chỉ chơi trên sân nhà mà đang “căng buồm ra đại dương”. Nhiều sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế giới, nhiều chuỗi cung ứng hoa quả thực hành theo quy trình sạch thông minh được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. Thủ tướng nhận định, với tiềm năng khu vực nông nghiệp sẽ mở ra cơ hội hợp tác, cùng với đó là những thế mạnh về du lịch... Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, CPTPP có hiệu lực đã mở ra cánh cửa cho sản phẩm Việt.
Các hiệp định thương mại tự do đang mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, là cơ hội được kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. “Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam các bạn có thể nhìn thấy hầu hết các thị trường lớn của thế giới, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2019 kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, từ 3,7% trở lên, nhờ động lực từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Ấn Độ và ASEAN tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế thế giới trong năm 2019.
Do đó, Thủ tướng nhận định, tăng trưởng thương mại dù có phần chậm lại nhưng vẫn tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới. “Nếu như đầu tư sẽ chảy từ nơi có năng suất vốn thấp đến nơi có năng suất vốn cao thì thương mại sẽ chảy từ nơi có năng suất cao sang nơi có năng suất thấp. Thuế có thể tạm thời làm biến dạng các dòng chảy thương mại nhưng dòng chảy chính vẫn được quyết định bởi chênh lệch năng suất”, Thủ tướng nói.
Do đó, trong xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp không nhất thiết phải mạnh tuyệt đối mới có thể chiến thắng mà chỉ cần biết phát huy lợi thế cạnh tranh tương đối của mình, phát huy sức mạnh riêng có, tạo nên những giá trị khác biệt thì hoàn toàn có thể chiến thắng.
Thủ tướng cho rằng, để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công chúng ta cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên.
Thứ nhất là nỗ lực của chính các doanh nghiệp. “Tất cả các doanh nghiệp đều có những lợi thế so sánh, nếu nhận diện đúng và biết phát huy lợi thế đó, doanh nghiệp đã thành công một nửa”, Thủ tướng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
12:42, 04/12/2018
11:42, 04/12/2018
11:00, 04/12/2018
10:10, 04/12/2018
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, muốn vươn ra biển lớn, bản thân các doanh nghiệp cũng cần xóa bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ, thay vào đó cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng lớn đang mở ra, phải học hỏi và sáng tạo không ngừng để trưởng thành và thành công hơn.
Thứ hai, là sự hợp tác và chia sẻ cơ hội của các doanh nghiệp FDI. Chính phủ Việt Nam mong muốn nhiều tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình; tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; tăng cường chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho Việt Nam; đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam mà trước hết chính là doanh nghiệp FDI.
Việc mở cánh cửa cho chuỗi cung ứng sẽ giúp giảm chi phí và đa dạng hóa hệ sinh thái chuỗi cung ứng cũng chính là cách nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của chính các doanh nghiệp FDI.
Thứ ba, là thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ ưu tiên tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm.
Một là, quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô. Với môi trường chính trị và vĩ mô ổn định cùng với vị trí địa chính trị tối ưu, Chính phủ tin rằng đây sẽ là một lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy bất trắc và sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin. Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương và địa phương), cải cách DNNN, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công,… Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn.
Hai là, tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, hiệu quả trên tinh thần giảm tối đa gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Tôi đề nghị các bộ ngành và địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo. Thực hiện một cách thực chất và hiệu quả mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ba là, Chính phủ sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc CM 4.0. Cùng với khoa học công nghệ, Chính phủ cũng sẽ tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và đào tạo nhân lực.