THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Chủ tịch VCCI đề xuất các chính sách hỗ trợ theo cấp độ và lộ trình

Diendandoanhnghiep.vn Để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả, việc xây dựng và thực thi chính sách nên chăng cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện phù hợp.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, sáng 26/9, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cùng chung bối cảnh với thế giới, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự tiếp sức và đồng hành của Chính phủ để vượt qua thời khắc cam go này.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Trước thềm Hội nghị này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội doanh nghiệp (bao gồm các hiệp hội trong nước, các hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, các LM HTX) và doanh nghiệp cả nước. VCCI đã nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng Báo cáo tình hình hoạt động và đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng tại hội nghị này. Báo cáo dày 52 trang, với phụ lục tổng hợp 192 kiến nghị cụ thể, đã được gửi tới các đại biểu dự hội nghị, nên tôi xin chỉ báo cáo vắn tắt một số nội dung chính.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, đại dịch COIVD-19 đang hoành hành, tàn phá cả thế giới, đất nước ta cũng đang trong cuộc chiến cam go với đại dịch, sức khoẻ và tính mạng của nhân dân bị đe doạ, hoạt động của các doanh nghiệp bị đình đốn. Dù khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp nước ta vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả, đã đóng góp những nguồn lực to lớn, trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng để chung tay cùng cả nước chống dịch. Nhưng, chúng ta không được quên, mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tổn thất của cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng lớn và có nguy cơ kéo dài.

Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Chỉ trong 08 tháng đầu năm nay, đã có trên 85 nghìn doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Và đằng sau mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

Cụ thể như: Với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40-50%; Với các doanh nghiệp ngành Gỗ, đã có trên 50% số doanh nghiệp ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản; Với ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay; công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở phải đóng cửa. Theo phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được “3 tại chỗ”, còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng ngừng sản xuất.

Về lao động, theo khảo sát của VCCI trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.

Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, sáng 26/9

Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, sáng 26/9

Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệpViệt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng). Các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là vô cùng nhiều, vô cùng lớn, quý vị có thể xem trong Báo cáo tổng hợp và tôi xin không trình bày, vì tinh thần diễn đàn hôm nay không phải để kêu khó, kêu khổ mà để bàn giải pháp.

Đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái Zero Covid, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ. Tình hình đã thay đổi, chúng ta cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch. Cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó COVID-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh. Với cách tiếp cận này, chúng tôi đề xuất 2 chủ trương mới:

Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Như trong thời chiến, chúng ta đã trang bị và thành lập các đội dân quân, tự vệ, nâng cao năng lực chiến đấu của cả nước. Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù Covid thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn. Để làm được điều này cần có chủ trương, nhận thức và quyết tâm thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, “mục tiêu kép cần có nhiệm vụ kép” và tương ứng với quan điểm mới của Thủ tướng về chung sống lâu dài với Covid-19,  VCCI đề nghị xem xét đổi tên các “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19” thành “BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế”, để cùng với nhiệm vụ chống dịch, việc duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Với quan điểm coi doanh nghiệp là một chủ thể trong cuộc chiến chống COVID-19 và là lực lượng chủ lực trên mặt trận kinh tế, đồng thời xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị với TTg trong cơ cấu BCĐ phòng chống Covid các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 ngày 23/9/2021, đồng thời xin đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là thứ nhất, Vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết, nói ngắn gọn, Vắc xin là chìa khoá, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắc xin; thứ hai, Sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, các quý vị đại biểu có thể thấy rõ điều này tại Báo cáo kết quả khảo sát của VCCI về Nghị quyết 105 trong tài liệu Hội nghị. Nguyện vọng chung các doanh nghiệp đều mong các giải pháp đề ra trong Nghị quyết nhanh chóng được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả, việc xây dựng và thực thi chính sách nên chăng cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện phù hợp, như: các giải pháp mang tính cấp bách, cần thực hiện ngay; các giải pháp hỗ trợ phục hồi; và các giải pháp mang tính tái cấu trúc, phát triển bền vững về trung và dài hạn.

Đối với các giải pháp cấp bách, cần thực hiện ngay, cộng đồng doanh nghiệp xin được kiến nghị và đề xuất:

Đối với công tác y tế, phòng chống dịch:

Đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới. Đề nghị ban hành một Văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”. Hơn nữa, Chỉ thị không phải một hình thức văn bản pháp luật, chỉ nên sử dụng trong trường hợp cấp bách, không nên sử dụng lâu dài.

Kiến nghị có chủ trương, chính sách phát huy, hỗ trợ các doanh nghiệp đã có sẵn phòng y tế, tổ y tế nâng cao năng lực, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị COVID-19, huấn luyện thực hiện "Y tế tại chỗ" để tham gia hoạt động chống dịch tại DN, góp phần mở rộng năng lực hệ thống y tế quốc gia; có cơ chế để huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch.

Đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công An khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”, thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan; điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, giấy phép lao động cho phù hợp… để tạo điều kiện ổn định nguồn nhân lực lao động, chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đối với các giải pháp đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh an toàn:

Đề nghị duy trì sản xuất  kinh doanh an toàn trong bối cảnh sống chung lâu dài với dịch bệnh chính là điều kiện bình thường mới mà nhiều chính sách, quy định không còn phù hợp. Công tác phòng chống dịch bệnh trở thành một phần không tách rời của quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của quản trị doanh nghiệp; chi phí phòng chống dịch bệnh cũng thành một phần tất yếu của chi phí sản xuất. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Quốc hội kịp thời cho triển khai nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, quy định mới, kể cả pháp luật, để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng Bộ Tiêu chí chung về sản xuất an toàn thời dịch bệnh để các DN, địa phương nghiên cứu, vận dụng vào tình hình thực tế. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương bãi bỏ ngay các quy định riêng của địa phương về hạn chế, kiểm tra, kiểm soát vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại các điểm giao nhận hàng hóa; không phân biệt hàng hóa thiết yếu; lái xe chỉ cần xét nghiệm âm tính, tuân thủ 5K và các biện pháp an toàn khác…

Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội xem xét phương án điều chỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền cho phép nâng giới hạn làm thêm giờ để đáp ứng các yêu cầu riêng của các mô hình “3 tại chỗ”, mô hình “bong bóng sản xuất” và để đáp ứng nhu cầu trả đơn hàng đúng hạn sau thời gian dài sản xuất bị đình trệ.

Đề nghị Tổng liên đoàn và hệ thống công đoàn các cấp nghiên cứu, triển khai chương trình chăm sóc tinh thần người lao động, khích lệ người đang bám trụ giữ vững sản xuất, động viên những người đã về quê quay trở lại DN làm việc.

Đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới DN được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DNNVV... Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các DN đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và DN.

Các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020, như Thái Lan là 12,4%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP, thì với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ.

Về các giải pháp trung và dài hạn, Chủ tịch VCC đề xuất: bên cạnh việc song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, thì cũng cần xây dựng ngay từ bây giờ các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững, như: cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định FTAs...

Giao diện nền tảng tương tác trực tuyến VCCI-Workplace do Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 (thuộc VCCI) triển khai.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, kéo dài, doanh nghiệp phải sống chung với dịch bệnh, vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chủ trì thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19. Hội đồng là cơ chế hợp tác, kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với nhau và với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và quốc tế để cùng hợp sức ứng phó đại dịch COVID-19.

Với việc thành lập Hội đồng và ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến 24/7 vào ngày 24/9, VCCI đã cùng Liên minh HTX VN, Hiệp hội DNNVV VN kịp thời triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị Quyết 105, đó là nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời tăng cường việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giao thương trong mùa dịch.

Tham gia Hội đồng ngoài doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, còn có đại diện các ban, bộ, ngành TW, có đ/c Phó trưởng Ban kinh tế TW làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Các hoạt động của Hội đồng được triển khai hoàn toàn trên nền tảng số hoá, tương tác với tất cả các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp rất thuận tiện, nhanh và liên tục 24/7.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của Hội đồng trong hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó thành công với COVID-19, VCCI xin kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo có cơ chế để VCCI và Hội đồng kết nối, phối hợp công tác trực tiếp với các Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 ở cấp quốc gia cũng như các ngành, các địa phương, qua đó các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được tiếp nhận, xử lý nhanh, hiệu quả hơn.

Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Chủ tịch VCCI đề xuất các chính sách hỗ trợ theo cấp độ và lộ trình tại chuyên mục VCCI của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713462519 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713462519 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10