Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ”Cơ hội và tiềm năng hợp tác không chỉ đến từ Việt Nam mà còn đến từ sự sẵn sàng và quyết tâm của doanh nghiệp EU”.
Đây là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Chương trình Gặp gỡ châu Âu 2018 do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng nay (25/5).
Theo đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng: "Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng với hơn 2.000 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam".
Hiện nay, EU đang là nhà đầu tư FDI lớn tại Việt Nam, với tổng đầu tư gần 25 tỷ USD, nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt kim ngạch thương mại trong 10 năm qua 2006-2017 đã tăng gần 5 lần và đạt trên 50 tỷ USD năm 2017.
"Việt Nam, châu Âu đang đứng trước những vận hội to lớn để có thể nâng tầm quan hệ và phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn bao giờ hết. Các đối tác châu Âu đã trở thành những người bạn đồng hành thân thiết cùng Việt Nam trong 30 năm đổi mới, phát triển và mở cửa hội nhập" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu. Tinh thần doanh nghiệp, khởi nghiệp đang trở thành động lực cho phát triển quốc gia, nhất là trong lớp thanh niên trẻ.
"Tất cả các biện pháp cải cách môi trường kinh doanh và thể chế hiện nay đang lan tỏa đến 63 tỉnh, thành phố, địa phương, nơi các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu đã, đang và sẽ có các dự án hợp tác, đầu tư kinh doanh". - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, "hoạt động cải cách hiện nay chủ yếu nằm ở các địa phương. Và muốn thành công đến cùng về kinh tế phải là doanh nghiệp và người dân".
Thủ tướng cũng thể hiện sự tin tưởng rằng, với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và mối quan hệ hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác châu Âu đang tạo nên một dòng chuyển động tràn đầy sinh khí, tạo nên diện mạo mới, năng động mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, nâng tầm trình độ phát triển quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, vươn lên những thang, bậc có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Cũng tại chương trình này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe, tạo điều kiện, giải quyết các khúc mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, đối tác châu Âu trong kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời cũng mong các đối tác, doanh nghiệp châu Âu có một chiến lược đầu tư, kinh doanh lâu dài ở Việt Nam, tạo dựng kết nối ngày càng hiệu quả với các đối tác Việt Nam. “Tôi mong rằng các quý vị đại biểu châu Âu, nhất là các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cùng chung nỗ lực với chúng tôi trong việc này, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai bên”.
Thủ tướng cũng thông tin rằng, tháng 10/2018, dự kiến Thủ tướng sẽ đi châu Âu dự Hội nghị Cấp cao ASEM 12. Đây sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam và châu Âu, trong đó có trao đổi về Hiệp định EVFTA nhằm mở ra không gian hợp tác rộng lớn, thuận lợi cho hai bên, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu phát triển đầu tư, kinh doanh hiệu quả.
Mặc dù, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - EU đang trên đà phát triển tuy nhiên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, vì vậy, chương trình hôm nay được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư một cách thiết thực hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - EUtrong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đang đi vào những giai đoạn chuẩn bị được ký kết chính thức.
Theo ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, dự kiến cuối năm nay, Hiệp định EVFTA sẽ được ký kết. Một trong những yếu tố tạo nên môi trường thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –Liên minh châu Âu (EFTA) sắp tới là hai bên phải đưa ra những tín hiệu hợp tác tốt, đảm bảo Hiệp định thương mại tự do phải được thi hành hiệu quả.
"Để hiện thực hoá điều này, hai bên cần có những cải cách, điều chỉnh để có thể có những hướng đi đúng. Hiện nay, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu không chỉ về mặt thương mại mà còn về các lĩnh vực: hội nhập trong khu vực, năng lượng, y tế, tư pháp, giáo dục, quốc phòng...vì lợi ích của người dân hai bên", ông Bruno Angelet nhấn mạnh.