Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhiệm vụ trọng yếu nhất năm 2019 là củng cố nền tảng vĩ mô

Thy Hằng 31/01/2019 14:04

Với độ mở của nền kinh tế quá lớn và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng - đây là nhiệm vụ trọng yếu nhất trong năm 2019. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan khi độ mở của nền kinh tế quá lớn, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp. 

Thủ tướng

Thủ tướng nhấn mạnh thời cơ rất lớn nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Ảnh:VGP

Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng

Trên thực tế, việc ổn định kinh tế vĩ mô còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đã ký kết 12 FTA, với tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA khoảng 35%, độ mở tăng nhanh chóng từ 120% lên gần 200% GDP trong 10 năm. Cùng với đó, biến động từ tình hình kinh tế thế giới mà điển hình là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung  khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. 

Tại phiên đối thoại đầu tiên riêng về Việt Nam của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định ổn định kinh tế vĩ mô chính là một trong bốn cơ sở để Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm, gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới.

“Cơ sở đầu tiên của chúng tôi là ổn định kinh tế- xã hội, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn. Đây là nền tảng quan trọng để yên lòng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và nâng cao khả năng chống chịu tốt hơn các biến động của nền kinh tế thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhìn nhận tình hình tháng đầu tiên của năm 2019 tiếp tục xu hướng tích cực, tiếp tục giữ tiến độ đầu tư phát triển, đà tăng trưởng tốt, Thủ tướng nêu rõ: “Thời cơ của chúng ta rất lớn, các ngành, các địa phương phải sẵn sàng đón nhận”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam quá lớn.

Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu nhất trong năm 2019. “Từng đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành phải đặc biệt quan tâm sâu sắc về thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho bộ, ngành mình và thường xuyên giao ban, kiểm điểm hàng tháng tình hình thực hiện từng chỉ tiêu để có đối sách phù hợp, kịp thời với các biến động trong nước và quốc tế. Việc chủ quan, sơ suất trong điều hành sẽ dẫn đến hậu quả lớn”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng yêu cầu đổi mới cơ chế điều hành ngay sau dịp Tết

    Thủ tướng yêu cầu đổi mới cơ chế điều hành ngay sau dịp Tết

    10:00, 31/01/2019

  • Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP

    Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP

    19:28, 29/01/2019

  • Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn kinh tế hiến kế xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội

    Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn kinh tế hiến kế xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội

    23:13, 25/01/2019

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam tại WEF 2019

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam tại WEF 2019

    07:12, 25/01/2019

Không để nhập siêu cả năm 2019 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất linh hoạt, hiệu quả, hài hòa với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác. Thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

“Tín dụng phải được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, là động lực của tăng trưởng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Phải có biện pháp đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong tín dụng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Tài chính siết chặt hơn nữa kỷ luật tài chính ngân sách Nhà nước, thanh tra, kiểm tra công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách. Trường hợp đã bố trí trong dự toán mà phát hiện sai phạm, lãng phí thì điều chuyển sang mục đích khác. Tập trung chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế.

Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu theo mục tiêu đề ra.

“Tại Hội nghị tổng kết Bộ Công Thương, tôi đã nói, năm 2018, chúng ta đã xuất siêu khoảng 7,5 tỷ USD thì không có lý do gì chúng ta lại nhập siêu trong năm 2019, mà ta biết FDI vào lớn như thế này thì dễ nhập siêu cao”, Thủ tướng lưu ý và giao Bộ Công Thương trình Thủ tướng Đề án về tranh chấp thương mại nói chung và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, ngay sau Tết, sẽ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để quyết định một số vấn đề đối với đường cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ nhằm bảo đảm tuyến đường nhanh chóng đi vào hoạt động, phục vụ sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long.

Với Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu công bố hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở một số tỉnh điển hình.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng. Các cơ quan nhà nước phải chủ động thông tin chính xác, kịp thời.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp các ngành phải tăng cường kiểm tra những vấn đề này tốt hơn. Cùng với việc cung ứng đầy đủ hàng hóa, cần tập trung quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại. “Những ngày còn lại các địa phương đều phải thúc đẩy kiểm tra, đừng để người dân nào không có Tết”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu việc nghỉ Tết sang năm (2020), trong đó có mô hình Singapore. 

Về vấn đề giao vốn, Thủ tướng nêu yêu cầu, phải xử lý nhanh, đúng quy định, công khai, minh bạch, đi liền với đó là giao sớm, đôn đốc giải ngân kịp thời, để “đồng tiền hạt gạo” đến nơi, đến chốn, không được để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xử lý các nguồn vốn liên quan. Thủ tướng đồng ý phương án giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục diễn biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 22,1%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%).

Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; có trên 8.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Vốn FDI thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,2% (kể cả dầu thô).

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ với mức 1,9%, trong đó trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng 12/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhiệm vụ trọng yếu nhất năm 2019 là củng cố nền tảng vĩ mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO