Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có cuộc làm việc với Hà Nội về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, là bước đột phá giảm phiền hà, nâng chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tại cuộc làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP. Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư cán sự Đảng Chính phủ nhấn mạnh, đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Với Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP. Hà Nội, đây là đề án có 39 đầu việc cụ thể với 11 lĩnh vực, trong đó có nhiều nội dung mới, làm thí điểm, nhiều nội dung chưa được pháp luật quy định. Đặc biệt, đây được xem là bước đột phá giảm phiền hà, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, góp ý cho Thành ủy Hà Nội hoàn thiện Đề án với chất lượng tốt nhất, sau đó trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo để có thể sớm triển khai trên thực tế, góp phần tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thực hiện Kết luận 22 của Bộ Chính trị, từ tháng 2/2018, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức, thành lập Ban chỉ đạo, bao gồm các đồng chí lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo các bộ, ngành và một số cơ quan, tiến hành các nghiên cứu bài bản.
Theo đó, đã thực hiện nghiên cứu 8 đề án nhánh phục vụ Đề án chính quyền đô thị, tổ chức các cuộc đánh giá, nghiên cứu xã hội học đối với các đối tượng bị ảnh hưởng. Thực hiện 8 cuộc hội thảo với các cơ quan liên quan để thu thập, lấy ý kiến đóng góp cho Đề án, đồng thời làm việc với các tổ chức khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các đối tượng của Thủ đô để lấy ý kiến.
“Chúng tôi đã tổ chức hội thảo rộng rãi về Đề án chính quyền đô thị đến các cấp, từ cấp xã, phường, đến quận, huyện, thành phố”, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết. Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội đã xin ý kiến các bộ, các ủy ban của Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để xây dựng Đề án.
Có thể bạn quan tâm
14:48, 21/01/2019
11:01, 20/01/2019
13:00, 19/01/2019
09:00, 18/01/2019
Trước đó, Kết luận số 22-KL/TW ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung: “Đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận. Tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.
Nội dung chính của Đề án là Đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp quản lý giữa Trung ương với chính quyền thành phố Hà Nội trên nhiều lĩnh vực như tài chính ngân sách, kế hoạch đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, môi trường, công thương, tổ chức bộ máy và con người. Hoàn thiện phân cấp giữa chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, huyện, thị xã để tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền thành phố, chính quyền cấp cơ sở.
Thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội lựa chọn trong 2 phương án, Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (Cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn).
Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (Thành phố); 01 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 01 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).
Theo đánh giá của đại diện bộ phận xây dựng đề án, phương án 1 đang đạt được sự đồng thuận cao do vừa đảm bảo tính nhanh nhạy, thông suốt, gọn nhẹ. Nâng cao được tính năng động, chủ động của địa phương. Đảm bảo tính kế thừa, giữ được tương đối ổn định về mô hình tổ chức quận, huyện, thị xã, tạo sự đa dạng về tổ chức chính quyền địa phương.