Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; công bố tích hợp thêm trên 15 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Và khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Trên 23 triệu lượt truy cập tìm hiểu và thực hiện dịch vụ công quốc gia
Sau 3 tháng đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với 14 bộ và 63 địa phương (đã có gần 79.000 tài khoản đăng ký; hơn 23 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái).
Theo thống kê, tính từ thời điểm đầu tiên mới đưa vào triển khai 8 nhóm dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đến nay, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia 161 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó: Lĩnh vực công thương có 132 dịch vụ; điện lực 9 dịch vụ; giao thông vận tải 2 dịch vụ; tư pháp 2 dịch vụ; bảo hiểm xã hội 1 dịch vụ; tài chính 7 dịch vụ; công an 1 dịch vụ; khoa học công nghệ 1 dịch vụ; y tế 1 dịch vụ; kế hoạch đầu tư 1 dịch vụ
Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ công bố tích hợp thêm trên 15 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia như nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy tại Hà Nội, TP.HCM; nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Thuận...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Hiện nay, khi cả nước đang quyết liệt chống dịch bệnh COVID-19, việc đưa thêm hơn 15 dịch vụ công tích hợp lên Cổng DVCQG có ý nghĩa quan trọng bởi những dịch vụ này chú trọng đến thanh toán trực tuyến. Ngay thời điểm tích hợp lên Cổng DVCQG, dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được trải nghiệm tại 5 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tích hợp 11 dịch vụ công có ý nghĩa lớn góp phần tiết kiệm phần lớn thời gian, vật chất, kinh phí, tiền bạc. Đây cũng là cách phòng, chống tham nhũng hiệu quả thông qua việc hạn chế gặp gỡ giữa những người quản lý thực hiện với người thực hiện.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 lan tràn, việc không tiếp xúc với tiền bạc, giấy tờ và gặp gỡ sẽ góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia trên tinh thần "những việc có lợi cho dân, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì chúng ta nên thực hiện”.
Thủ tướng lưu ý công tác bảo mật thông tin; tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, công tác tác tiếp nhận, giải quyết cần đúng tiến độ, chất lượng; nâng cao chất lượng phục vụ.
Thủ tướng đề nghị cần triển khai hệ thống giám sát về Chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, từng bộ, từng ngành, bộ.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, hồ sơ trên Hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận.
Đi đôi với đó là tiếp tục đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế thu và xử lý hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện dịch vụ công cộng, dịch vụ dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để góp phần thanh toán không dùng tiền mặt.
Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu tích hợp cung cấp dịch vụ đáp ứng một cách tự nguyện.
Đi liền với đó là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên mạng, Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.
Đến ngày 11/3, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đã triển khai 19 chế độ báo cáo của 9 bộ, cơ quan cấp thông tin hằng ngày phục vụ chỉ đạo, điều hành khối lượng công việc rất lớn này.
Đối với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin; thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ để sớm hình thành hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ cần xây dựng một trung tâm chuẩn bị để khai thác các báo cáo; cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu, đồ thị, hình ảnh minh họa, trực quan, sinh động; những vấn đề kinh tế xã hội nóng cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo hằng ngày như tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường; Báo cáo kinh tế xã hội hàng tháng, hàng quý, hàng năm.
Thiết kể giao diện của hệ thống phải đổi mới. Cải cách mạnh mẽ, nhất là áp dụng những tiến bộ mới về khoa học, công nghệ để đóng góp đưa đất nước chúng ta tiến lên.
Kỳ vọng về hệ thống thông tin báo cáo (TTBC) Chính phủ
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ khai trương một số phân hệ của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết thực hiện Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/1/2019 và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng và triển khai theo hình thức VNPT đầu tư, VPCP thuê lại.
Hệ thống TTBC Chính phủ là hệ thống thu thập, tích hợp dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, đến nay, Hệ thống đã tích hợp 19 chế độ báo cáo của 10 bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, VPCP, bước đầu cung cấp thông tin hằng ngày trong một số lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Về lợi ích của "số hóa" báo cáo giấy, tính toán của Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho thấy, nếu điện tử hóa, hệ thống tự động tổng hợp, số ngày công tiết kiệm được một năm là trên 4.700 ngày công, chi phí tiết kiệm được cho việc thực hiện một báo cáo là trên 1 tỷ đồng.
Nếu điện tử hóa tất cả các báo cáo quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành báo cáo lên Chính phủ, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ thì ước tính chi phí tiết kiệm được cho Ngân sách Nhà nước sẽ khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Hệ thống TTBC Chính phủ nhằm bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng CNTT trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Hệ thống TTBC Chính phủ giúp nâng cao năng lực tham mưu tổng hợp của VPCP trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Lợi ích đem lại của Hệ thống là thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên báo cáo giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số thông qua các hệ thống thông tin báo cáo, bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả. Quy trình báo cáo (thu thập, tổng hợp, phân tích, gửi nhận) thực hiện dễ dàng, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo…
Hệ thống cũng tạo ra và lưu trữ được các thông tin, số liệu mang tính chất hệ thống, đồng bộ và cho phép so sánh, đối chiếu, kiểm tra chéo thông tin, số liệu từ các nguồn khác nhau; góp phần nâng cao năng lực, chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp, cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, các bộ, ngành, địa phương, nhận thức sâu sắc việc triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
07:35, 11/03/2020
15:34, 19/02/2020
11:18, 16/02/2020
Để Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục là địa chỉ thân thiết, tin cậy của người dân, doanh nghiệp, cũng như để Hệ thống TTBC Chính phủ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, cần sự chung tay nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Sự chung tay sẽ giúp Cổng Dịch vụ công quốc gia hoạt động ngày càng thực chất, liên tục, hiệu quả và an toàn; để Hệ thống TTBC Chính phủ được hoàn thiện, kết nối với Hệ thống TTBC của các bộ, cơ quan, địa phương hình thành nên Hệ thống TTBC quốc gia.
Sau Hội nghị này, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để cùng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết: Hệ thống này tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.