Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/11.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/11.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo của Bộ GD&ĐT về thời điểm áp dụng SGK mới và phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo báo cáo, Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm kỳ thi năm 2018 để làm tốt các năm tới đây.
Có thể bạn quan tâm
12:05, 01/11/2018
05:00, 01/11/2018
11:09, 26/10/2018
06:03, 26/10/2018
Trả lời câu hỏi về thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chính phủ kết luận theo hướng thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 51 của Quốc hội.
Cụ thể, thời gian bắt đầu triển khai đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học; từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.
Về định hướng kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Độ cho biết, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục khắc phục hạn chế, khuyết điểm của kỳ thi THPT năm học vừa qua, đặc biệt là việc chấn chỉnh công tác coi thi, chấm thi.
“Bộ GD&ĐT đã trình phương án lên Chính phủ theo tinh thần kỳ thi năm 2019 giảm áp lực với thí sinh nhưng đảm bảo độ tin cậy, đánh giá đúng chất lượng”. – ông Độ thông tin.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi THPT quốc gia sẽ làm căn cứ xét tốt nghiệp của thí sinh và đánh giá năng lực của học sinh sau 12 năm phổ thông. Kết quả này cũng là cơ sở xét tuyển đại học, tuy nhiên sẽ trên tinh thần tự chủ, do các trường quyết định.
“Vừa qua, trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu ba nhóm giải pháp cho kỳ thi THPT 2019: Một là làm tốt ngân hàng đề sao cho đề thi phù hợp, có sự phù hợp vừa đánh giá được tốt nghiệp, đại học. Hai là bảo đảm tính bảo mật để học sinh có một kỳ thi tốt hơn. Ba là giải pháp về kỹ thuật trong công tác coi thi, chấm thi, bảo đảm an toàn tăng sao cho giáo viên chấm thi, nhất là trắc nghiệm không phải giáo viên của tỉnh mình trực tiếp chấm thi của mình", - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin thêm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Các vấn đề về đổi mới kỳ thi THPT, ra đề thi... thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, vì vậy Bộ phải thực hiện đúng nghị quyết Trung ương cũng như quy định pháp luật.
“Thủ tướng đề nghị thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Quốc hội, khắc phục tốt các tồn tại, bất cập, không để bất ngờ, khó khăn cho việc ôn thi của học sinh; không để xảy ra sự cố trong các khâu ra đề, chấm thi, vi phạm quy chế thi...” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng.