Vùng Đông Nam Bộ cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt những dự án trọng điểm, mang tính động lực, lan tỏa kết nối vùng, nhất là các dự án giao thông trọng điểm tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ mới đây.
>> TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước, với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu cả nước, là đầu tàu kinh tế, trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân đô thị đặc biệt TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của quốc gia; là động lực, có sức hút lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ.
Vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và của TP. Hồ Chí Minh đã được xác định rõ trong Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa IX và tiếp tục khẳng định rõ nét hơn trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị với tư duy và định hướng phát triển mới, toàn diện sẽ tạo động lực quan trọng về vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững, mang tính đột phá.
Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng; thúc đẩy liên kết kinh tế - xã hội chặt chẽ, hiệu quả hơn, tạo ra nguồn lực, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nói chung và từng địa phương nói riêng phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2001. Hai địa phương đã cụ thể hóa Chương trình hợp tác bằng các dự án, nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chương trình hợp tác dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Hiện nay, 2 địa phương đang phối hợp chặt chẽ, quyết tâm lớn, nỗ lực thúc đẩy triển khai dự án Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, tuyến đường tạo động lực phát triển kinh tế, đối ngoại không chỉ 2 địa phương mà còn là sự phát triển chung của vùng và quốc gia…
Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Tây Ninh có vị trí địa quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại hướng Tây Nam của Tổ quốc, là một trong những cực tăng trưởng, cửa ngỏ quan trọng về kinh tế đối ngoại của Vùng Đông Nam Bộ. Dư địa về đất đai, lao động của tỉnh còn lớn, là yếu tố quan trọng để địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ logistics…
Đặc biệt, tiềm năng du lịch của Tây Ninh đang được khai thác tối đa với mục tiêu đưa Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp, mang tầm quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 7 triệu lượt khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tỉnh Tây Ninh cũng đang triển khai xây dựng quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với định hướng và động lực mới, lấy công nghiệp, đô thị làm động lực chính để dẫn dắt, lan tỏa, đưa Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành Khu kinh tế cửa khẩu tiêu biểu, phát triển năng động, hiệu quả của vùng và quốc gia.
“Tiềm năng, lợi thế mang tính kết nối, lan tỏa vùng đã được Tây Ninh nhận diện, định hướng rõ trong quy hoạch tỉnh, tạo ra động lực, nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, mang tính đột phá. Tỉnh Tây Ninh cũng đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để Tây Ninh đã, đang và sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, thân thiện, hiệu quả...” – ông Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, để nâng cao hiệu quả liên kết nội vùng và liên vùng, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh hợp tác, tập trung vào mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đối với vùng Đông Nam Bộ mà Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Các tỉnh, thành phố cần phối hợp, thúc đẩy triển khai mạnh mẽ, quyết liệt những dự án trọng điểm, mang tính động lực, lan tỏa kết nối vùng, nhất là triển khai nhanh, về đích sớm các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng hiện nay (đường vành đai, cao tốc…) để hệ thống giao thông vùng phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo ra nguồn lực, động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Phối hợp chặt chẽ trong huy động nguồn lực, phát triển nhân lực chung của vùng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, mang tính đột phá của vùng nói chung và từng địa phương nói riêng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở các địa phương nghiên cứu; thúc đẩy liên kết, hợp tác đầu tư.
“Để hiện thực hóa hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cần chủ động nghiên cứu đề xuất Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ sớm hoàn thiện mô hình thí điểm tổ chức, điều hành vùng hiệu quả; đồng thời đề xuất được các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, vượt trội, trọng tâm là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các tỉnh, thành phố trong vùng, tập trung vào các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, trong huy động và sử dụng nguồn lực…” - ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Tây Ninh: Cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp
00:15, 05/02/2023
Tây Ninh đẩy mạnh các đột phá chiến lược
13:00, 26/01/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Giao UBND tỉnh Tây Ninh triển khai Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát
20:59, 15/04/2022
TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ
15:05, 18/03/2023
Kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ
18:21, 17/03/2023