Đó là khuyến cáo của các chuyên gia với doanh nghiệp và cơ quan XTTM nhằm tránh những tác động không mong muốn từ xung đột thương mại trên thị trường thế giới và duy trì XK ổn định sang Mỹ.
Ảnh hưởng từ thay đổi chính sách thương mại
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 21 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ, chiếm 19% tổng kim ngạch XK của cả nước. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam sang Mỹ luôn đạt mức 20%/năm trong nhiều năm qua, đồng thời thặng dư thương mại cũng luôn ở mức cao. Năm 2017, Việt Nam XK tới 47 tỷ USD giá trị hàng hóa sang Mỹ nhưng chỉ nhập khẩu 8 tỷ USD từ thị trường này. “Nhập siêu quá nhiều từ các thị trường, trong đó có Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ thay đổi chính sách thương mại”, ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho hay.
Có thể bạn quan tâm
08:23, 17/05/2018
05:03, 30/07/2018
Ông Nguyễn Thắng Vượng cũng phân tích, chính sách thương mại của Mỹ hiện đang thay đổi lớn. Trong đó, Chiến lược An ninh quốc gia mới đã đưa kinh tế, thương mại trở thành 1 trong 4 trụ cột; ưu tiên thúc đẩy đàm phán song phương thay vì đàm phán đa phương. Đặc biệt, Chính phủ Mỹ gia tăng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước nhằm giảm nhập siêu, tăng XK.
Những chính sách này sẽ tác động không tích cực tới XK của Việt Nam sang Mỹ. Để ứng phó, các quốc gia XK vào Mỹ sẽ hạ tỷ giá nội tệ để khuyến khích XK. Điều này cũng sẽ tạo áp lực cạnh tranh lên hàng hóa của Việt Nam, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm do hàng hóa sản xuất trong nước phải chịu nhiều hàng rào kỹ thuật và mức thuế cao.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp?
Vậy làm sao doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh được những tác động tiêu cực, duy trì ổn định XK sang thị trường Mỹ trong khi năng lực cạnh tranh XK, thanh toán, cước phí và thời gian vận tải, hệ thống pháp luật thương mại phức tạp của Mỹ luôn là trở ngại lớn?
Ông Đào Trần Nhân - Nguyên Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, việc hiểu và tuân thủ hệ thống pháp luật là điều kiện bắt buộc khi có quan hệ thương mại với Mỹ. Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống buộc phải tuân thủ Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA). Với luật này, nếu vi phạm hậu quả sẽ rất nặng nề, có thể doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự và đưa vào danh sách đen.
Cùng đó, để có thể XK ổn định vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp trong nước cần có biện pháp đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị và đại siêu thị của Mỹ. Doanh nghiệp cần có sản phẩm tốt với giá cạnh tranh, chuẩn bị đủ năng lực sản xuất để đáp ứng được đơn hàng lớn. Đồng thời, doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ thủ tục liên quan, với mặt hàng thực phẩm, đồ uống cần lấy được 1 trong 4 chứng chỉ Sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu; thâm nhập hệ thống phân phối qua đại diện các tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ tại Việt Nam, tham gia hội chợ triển lãm, qua môi giới…
Về phía Bộ Công Thương, bà Trần Kim Oanh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục cung cấp thông tin về thị trường Mỹ cho doanh nghiệp trong nước, tổ chức chương trình giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Mỹ, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất của Mỹ tại Việt Nam… “Đặc biệt, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới để mở rộng sản xuất…. nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường” – Bà Oanh cho hay.