Cơ quan nào kiểm soát tài sản cán bộ công chức không quan trọng bằng cách thức để đo đếm lòng trung thực của người kê khai.
Sửa Luật Phòng chống tham nhũng là đòi hỏi từ thực tiễn, những bộ luật cũ được ban hành trước đây không bít được hết lỗ hổng để công cuộc phòng chống tham nhũng trở nên hiệu quả hơn. Có một thực tế cần nhìn nhận là công cuộc phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước tuy có khởi sắc nhưng chưa thể nào làm an lòng dư luận, những con số trăm tỷ, ngàn tỷ được thống kê qua các vụ việc khiến chúng ta không khỏi băn khoăn.
Một trong những điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đang được luận bàn tại Quốc hội là quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài ngoài nhà nước về phòng chống tham nhũng.
Như vậy phạm vi điều chỉnh của Luật này đã “phủ sóng” ra tới khu vực tư nhân. Mặc dù thời gian qua tham nhũng đã được chỉ điểm rõ ràng - là khu vực nhà nước. Những nhân vật cộm cán bị lôi ra ánh sáng, hầu hết là những lãnh đạo các tổ chức kinh tế nhà nước, nơi có nguồn thu khổng lồ mang tên “công sản”.
Cụ thể, giai đoạn 2007 - 2017 tham nhũng lấy đi gần 60.000 tỷ đồng ngân sách nhưng chỉ thi hồi được khoảng 4.500 tỷ; 400 ha đất bị biển thủ chỉ lấy lại được phân nửa. Vậy chưa thể nói là thành công!
Có thể bạn quan tâm
|
Thiết nghĩ, chống tham nhũng thành công tức là không để mất mát thêm tiền thuế của nhân dân và không phải xót xa đứng nhìn đồng chí đồng đội phải vướng vòng lao lý.
Trong khi đó khu vực kinh tế tư nhân, khi “đồng tiền đi liền khúc ruột” sẽ tự khắc có cách để bảo vệ tài sản của mình. Hơn thế nữa nếu tình trạng đút lót, “đi đêm” có xảy ra thì sẽ xử lý theo bộ Luật hình sự 2015.
Ai sẽ kiểm soát tài sản cán bộ, công chức? Đây là câu hỏi còn tranh luận, nhưng những gì diễn ra mấy năm gần đây cho thấy, đó chưa hẳn là vấn đề lớn gây ra tệ tham nhũng tràn lan. Nên chăng phải đặt câu hỏi: Làm sao để quản lý tài sản cán bộ, công chức?
Năm 2016, có hơn 1,3 triệu người kê khai tài sản, 77 trường hợp bị xác minh lại và cuối cùng chỉ có…3 trường hợp thiếu trung thực! Vấn đề ở đây là dư luận xã hội có cái nhìn như thế nào về con số 99,99% bản kê khai tài sản được cho là trung thực? Vậy lấy đâu ra biệt phủ, biệt thự và nhiều vụ tài sản khủng bị phanh phui.
Cơ quan nào kiểm soát tài sản cán bộ công công chức không quan trọng bằng tìm cách để đo đếm lòng trung thực của người kê khai. Cho đến nay làm sao để người dân có thể giám sát tài sản kê khai vẫn chưa được bàn đến.
Tài sản của cán bộ, công chức, ngoài phần tiền lương được minh bạch công khai còn vô vàn kiểu thu nhập khác nhau, đương nhiên không thể loại trừ tài sản bất minh do tham nhũng mà có.
Để kiểm soát nguồn tài sản ngoài lương, cách hữu hiệu nhất là công khai kê khai tài sản để người dân tại khu dân cư có thể so sánh đối chiếu. Tuy nhiên khi tài sản bất minh đã biết thành biệt phủ, bất động sản…coi như sự đã rồi.
Bởi vậy, “phòng tham nhũng” phải là giải pháp căn cơ, trong đó Luật Phòng Chống tham nhũng chịu trách nhiệm chính, song song là đổi mới toàn diện cách thức tổ chức, hoạt động của cơ quan công quyền, minh bạch thông tin, cải cách hành chính.