Hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư vào tiền ảo, tuy nhiên, chuyên gia thế giới lại so sánh tiền ảo như một mô hình lừa đảo đa cấp.
Tại sự kiện diễn ra vào ngày 7/2 tại Mỹ, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa so sánh tiền ảo với “mô hình đa cấp Ponzi”.
“Vẫn chưa có gì rõ ràng về cách hoạt động của tiền ảo Bitcoin. Chúng tôi cũng xét Bitcoin hay một số loại tiền ảo khác dưới góc độ sử dụng, nhưng tôi cho rằng đại đa số tiền ảo về cơ bản là mô hình kiểu đa cấp Ponzi”, Chủ tịch World Bank Jim Yong Kim nói.
Trước đó, trong một bài phát biểu đầu tuần, Chủ tịch Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank of International Settlements) Agustin Carstens nói rằng giới chức trách cần phải kiểm soát các đồng tiền số bởi chúng có thể gây gián đoạn hệ thống tài chính chính thống. Còn Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng “việc kiểm soát và quản lý rủi ro” đối với tiền ảo là vô cùng quan trọng.
Ông Jim Yong Kim cũng cho biết World Bank đang “xem xét hết sức thận trọng” công nghệ blockchain – nền tảng công nghệ sử dụng “sổ cái phân tán” cho phép giao dịch các tài sản số một cách an toàn. Công nghệ này được kỳ vọng có thể áp dụng tại các quốc gia đang phát triển để “theo dõi dòng tiền hiệu quả hơn” và giảm nạn tham nhũng, ông Kim nói.
Được biết, Ponzi là mô hình lừa đảo xuất hiện từ thế kỷ trước, hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn nhưng ít rủi ro cho nhà đầu tư. Mô hình này tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ bằng cách tìm thêm các nhà đầu tư mới. Họ được trả lãi bằng số tiền huy động được từ nhà đầu tư mới. Mô hình này cuối cùng sụp đổ khi không còn đủ tiền để trả lãi toàn hệ thống.
Trước đó, tại buổi tổng kết cuối năm của ngành tư pháp, trả lời báo chí về phương thức quản lý các đồng tiền ảo, tiền kỹ thuật số như bitcoin, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết: "Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đang trong quá trình rà soát, đánh giá về hoạt động của đồng tiền ảo này".
“Bộ sẽ có báo cáo Chính phủ về phương thức quản lý tiền ảo trong tháng 8-2018, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Theo tiến trình của Bộ Tư pháp, dự kiến năm 2020, bộ sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi bổ sung các luật hiện hành trong hệ thống để phù hợp với việc quản lý tiền ảo, tiền điện tử”, ông Hải nói.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, tiền ảo Bitcoin và các loại tiền ảo khác hiện nay có tác động đến các hoạt động rửa tiền, buôn bán ma túy, hoạt động của tội phạm. Ngoài ra, tiền ảo còn liên quan đến an ninh tiền tệ và các giao dịch thanh toán khác.
Đồng thuận với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về việc không công nhận tiền ảo Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, đại diện Bộ Tư pháp nói: "Giao dịch tiền ảo Bitcoin là ẩn danh, là công cụ của nhiều tội phạm giao dịch. Tiền ảo là dạng kỹ thuật số, nguy cơ bị đánh cắp rất cao. Bên cạnh đó, giá trị biến động, rủi ro trong đầu tư rất lớn. Hiện nay chưa được cơ quan nhà nước quản lý nên khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý", ông Hải khẳng định.