Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Việc cải thiện chỉ số PCI phải thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền địa phương theo hướng thực chất, hiệu quả góp phần hỗ trợ và phát tri
Với rất nhiều giải pháp đồng bộ và thực thi quyết liệt, hiệu quả, năm 2017, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Tiền Giang chuyển biến theo hướng tích cực, xếp hạng 40/63 tỉnh với 61,44 điểm, tăng 8 bậc so với chỉ số PCI năm 2016.
Thay đổi thực chất và hiệu quả
Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Kết quả PCI cho thấy đang còn rất nhiều dư địa cải cách.
“Cải thiện chỉ số PCI không chỉ là khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp mà còn là yêu cầu cải cách của Chính phủ đối với các địa phương, được quy định chính thức trong Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Đồng thời là trách nhiệm của mỗi địa phương đối với sự phát triển bền vững” - ông Hưởng nhấn mạnh và cho biết: Lãnh đạo tỉnh sẽ phân tích các chỉ số thành phần để tiếp tục có giải pháp cụ thể nâng cao PCI. Đặc biệt, việc cải thiện chỉ số PCI phải thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng điều hành của tỉnh theo hướng thực chất, hiệu quả góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Trong 10 chỉ số thành phần PCI, tính năng động của chính quyền tỉnh Tiền Giang là chỉ số thành phần có điểm số cải thiện nhiều nhất, tăng 1,5 điểm so với năm 2016, kế đến là chỉ số phản ánh dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng 1,04 điểm so với năm 2016. Khi phân tích các yếu tố cấu thành nên chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh, có đến 72% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được tháo gỡ kịp thời thông qua các cuộc đối thoại doanh nghiệp (xếp hạng 16/63 tỉnh, thành), 98% doanh nghiệp nhận được phản hồi của cơ quan Nhà nước tỉnh sau khi họ phản ánh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp mình (xếp thứ 3/63 tỉnh, thành, đồng hạng với Bình Dương, Lâm Đồng và Quảng Nam). Chỉ số thành phần PCI xếp cao nhất (hạng 9/63 tỉnh, thành) là Cạnh tranh bình đẳng và chỉ số Chi phí gia nhập thị trường xếp hạng thấp nhất (hạng 48/63 tỉnh, thành). |
Trên thực tế, Tiền Giang phấn đấu cải thiện PCI thì các tỉnh, thành khác cũng cố gắng thay đổi và có những hành động mạnh mẽ hơn. Minh chứng là khoảng cách điểm giữa các địa phương đang có xu hướng thu hẹp. “Tiền Giang có gần 4.500 doanh nghiệp đang hoạt động, đây cũng là một áp lực lớn, đòi hỏi chất lượng điều hành phải cao và kết quả đạt được phải cụ thể” - ông Hưởng nhìn nhận.
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần I năm 2018 cách đây không lâu, ông Lê Văn Hưởng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành bằng nhiều hình thức để thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, thu thập kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không nhất thiết đợi đến Hội nghị đối thoại doanh nghiệp.
6 giải pháp đồng bộ
Mục tiêu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh là 730 doanh nghiệp, tăng 14% so với năm 2017 và tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối năm 2018 dự kiến đạt 4.840 doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Lê Văn Hưởng cho biết: Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, phát triển hộ kinh doanh đủ điều kiện hoạt động theo loại hình doanh nghiệp: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch tuyên truyền vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển sang loại hình doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch chuẩn hóa dữ liệu hộ kinh doanh giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động theo loại hình doanh nghiệp
Thứ hai, thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên và cộng đồng dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương; hỗ trợ kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; rà soát loại bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa điện tử”...
Thứ tư, tăng cường hoạt động công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện tốt công tác phối hợp xúc tiến đầu tư. Chuẩn bị và tổ chức tốt Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp là cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; chủ động nắm bắt thông tin, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên để thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước...
Đối thoại để nâng cao chất lượng điều hành Đối thoại doanh nghiệp đã trở thành hoạt động thường xuyên và Tiền Giang là một trong số ít địa phương duy trì tổ chức hằng quý. Qua đó, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Trong năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức 4 Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (quý I, II, III và IV năm 2017). Tổng số kiến nghị của doanh nghiệp tại 4 cuộc Hội nghị là 35 kiến nghị (năm 2016: 58 kiến nghị). Qua đó cho thấy việc tăng cường đối thoại không chỉ tháo gỡ những khó khăn hiện tại của cộng đồng doanh nghiệp mà còn giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc kéo dài trong nhiều năm trước đó. Đối với các kiến nghị chưa thể giải quyết ngay, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành ghi nhận và xem xét giải quyết trong thời gian cụ thể, báo cáo tiến độ kết quả giải quyết cho UBND tỉnh và doanh nghiệp. Đến nay tất cả các kiến nghị đã được các sở, ban, ngành giải quyết, trong đó hầu hết kiến nghị đã được giải quyết dứt điểm (31 kiến nghị/tổng số 35 kiến nghị). Bên cạnh việc tổ chức các Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, UBND tỉnh còn tổ chức các đoàn đến thăm và làm việc với doanh nghiệp, để thể hiện sự quan tâm và nắm bắt nhanh các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh trên Cổng Thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia của Tiền Giang tiếp tục được rút ngắn và nhanh nhất so với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Theo đó, thời gian giải quyết hồ sơ mới của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang) giảm từ 1,22 ngày năm 2016 xuống còn 0,81 ngày làm việc trong năm 2017, thời gian xử lý hồ sơ thay đổi từ 0,99 ngày năm 2016 xuống còn 0,49 ngày làm việc trong năm 2017. Với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tính đến 31/12/2017, số doanh nghiệp đang hoạt động toàn tỉnh là 4.456 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 38.380 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới toàn tỉnh năm 2017 là 640 doanh nghiệp. Đến cuối quý I/2018, cả tỉnh có 181 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.207,5 tỷ đồng, tăng 16,8% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2017 và vốn bình quân đăng ký tăng 33,7%. Quy mô doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ (6,7 tỷ đồng/doanh nghiệp so với 5,8 tỷ đồng/doanh nghiệp của quý 1 năm 2017). Hiện tại, tổng số hộ kinh doanh tính đến năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh được cấp mã số thuế là 88.602 hộ kinh doanh (trong đó đang quản lý thu thuế: 44.167 hộ kinh doanh). Tổng số hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới toàn tỉnh năm 2017 là 5.168 hộ. |