Tiền Giang: Hiệu quả từ thu hút đầu tư

Phan Nam - Lê Trang 30/11/2018 14:36

Chính sách điều hành xuất khẩu của Tiền Giang gắn với thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp tại địa phương đang phát huy hiệu quả.

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2018 của Tiền Giang đạt 253,2 triệu USD, tăng 4% so tháng trước. Như vậy, 10 tháng, toàn tỉnh xuất khẩu 2.110,9 triệu USD, đạt 79,7% kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ.

p/Ông Lê Văn Hưởng (giữa), Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra lô hàng vú sữa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳp/

Ông Lê Văn Hưởng (giữa), Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra lô hàng vú sữa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

Mở rộng thị trường

Trị giá hàng hóa xuất khẩu phân theo ngành sản xuất chính của Tiền Giang bao gồm 2 ngành: công nghiệp chế biến chế tạo và thương nghiệp.

10 tháng đầu năm 2018, ngành công nghiệp chế biến chế tạo xuất 1.984,6 triệu USD, tăng 2,2% so cùng kỳ, trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm đạt 293,2 triệu USD, giảm 21,9%, sản xuất trang phục đạt 437,7 triệu USD, tăng 11,7%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan đạt 672,2 triệu USD, giảm 10,7%, sản xuất kim loại đạt 408,6 triệu USD, tăng 29,9%; ngành thương nghiệp đạt 126,4 triệu USD, tăng 6,0% so cùng kỳ.

Đáng chú ý, sản phẩm chủ lực gạo ước tính tháng 10 xuất 19.602 tấn, tăng 60,2% so tháng trước. Như vậy, 10 tháng, gạo xuất khẩu 238.688 tấn, dù giảm 7,7% so cùng kỳ về số lượng nhưng về trị giá đạt 126,3 triệu USD, tăng 6% so cùng kỳ.

Theo ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang: Trong quý IV/2018, xuất khẩu gạo có xu hướng tăng do nhu cầu nhập khẩu gạo từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi. Trong đó, Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm 500 - 800 ngàn tấn từ nay đến cuối năm để bổ sung kho dự trữ và ổn định giá gạo trong nước.

Bên cạnh đó, một mặt hàng chủ lực khác là may mặc ước tính tháng 10 xuất 10.718 ngàn sản phẩm, tăng 1,3% so tháng trước. 10 tháng xuất 67.078 ngàn sản phẩm, về giá trị đạt 436,1 triệu USD, tăng 11% so cùng kỳ.

10 tháng, toàn tỉnh xuất khẩu 2.110,9 triệu USD, đạt 79,7% kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, thủy sản - một trong những mặt hàng chủ lực của Tiền Giang ước tính tháng 10 xuất 10.231 tấn, tăng 2,3% so tháng trước. 10 tháng xuất 93.125 tấn, giảm 20,8% so cùng kỳ, về trị giá đạt 254,4 triệu USD, giảm 25,1% so cùng kỳ. Giá cá tra trong tháng 10/2018 dao động ở mức từ 33.500 đồng đến 34.000 đồng/kg. Thị trường đứng đầu là Trung Quốc vẫn có dấu hiệu khả quan vì nhập hàng nhiều. Dự báo, từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc thường tăng, do cuối năm là mùa đông nên hoạt động chăn nuôi sẽ khó khăn. Dẫu vậy, thị trường này vẫn rất khó dự đoán vì hiện nay cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không ít nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa đồng thời với các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh cũng rộng đường xuất khẩu, thu hút ngoại tệ.
Năm 2018, Tiền Giang đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 2,65 tỷ USD, tăng 6% so với mức thực hiện năm 2017. Mục tiêu này chắc chắn sẽ được hiện thực hoá.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác các thị trường truyền thống, đã tích cực, chủ động mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm các thị trường mới nhằm tăng nhanh sản lượng, thu hút ngoại tệ, chiếm lĩnh thị trường, giảm rủi ro do không lệ thuộc vào một vài thị trường nhất định. Đặc biệt khai thác tốt các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hợp tác thương mại tự do (FTA).

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Bên canh nỗ lực từ phía các doanh nghiệp thì tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Qua đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước…

p/Chế biến nông thủy sản được Tiền Giang quan tâm thu hút đầu tư

Chế biến nông thủy sản được Tiền Giang quan tâm thu hút đầu tư

Trong tháng 10, Ban Quản lý các khu công nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 7 dự án. Từ đầu năm đến nay, đã thu hút 7 dự án đầu tư, tăng 75% so cùng kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký dự án 72 triệu USD và 10 tỷ đồng, tăng 35,1% so cùng kỳ, đạt 70% kế hoạch năm 2018, diện tích cho thuê đất 24,2 ha.

Ngoài ra, Ban Quản lý các khu công nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 27 dự án. Trong đó có 11 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 99,1 triệu USD, tăng 146,7% so cùng kỳ. Đến cuối tháng 10/2018, tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 98 dự án (trong đó có 71 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.815 triệu USD và 4.086 tỷ đồng, diện tích đất đã cho thuê 488,9/765,2 ha, đạt 63,9% diện tích đất của 4 khu công nghiệp đang hoạt động.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 4.402 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 78,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 96,9%.
Không chỉ chú trọng phát triển doanh nghiệp, Tiền Giang đẩy mạnh phát huy tiềm năng lợi thế kinh tế vườn.
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có gần 73.000 ha vườn trồng cây ăn quả với sản lượng hơn 1,33 triệu tấn trái cây các loại. Tỉnh đã định hình được những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung mang tính hàng hóa lớn như: dứa (khóm) trên 16.000 ha, sầu riêng 9.200 ha, thanh long khoảng 6.000 ha, xoài trên 4.000 ha, vú sữa trên 3.000 ha... Từ đó, góp phần cung ứng nguồn nông sản lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá, tình hình xuất khẩu tăng trưởng ổn định cho thấy các chính sách điều hành xuất khẩu của tỉnh gắn với thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp tại địa phương đang phát huy. Mặt khác, các doanh nghiệp đã chủ động đúc kết kinh nghiệm, tập trung đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm nhằm đạt và vượt chỉ tiêu cả năm đề ra. Theo đó, phát triển và khai thác cả thị trường truyền thống cũng như thị trường tiềm năng cho các sản phẩm chủ lực, giá trị gia tăng cao và có lợi thế cạnh tranh; góp phần thu hút ngoại tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền Giang: Hiệu quả từ thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO