[TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII] Bài 3: Chọn được người liêm chính, cách mạng sẽ thành công!

Diendandoanhnghiep.vn Cán bộ, đảng viên phải là mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.

Để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhiều địa phương đã tiến hành Đại hội Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ cơ cở.

Có thể thấy, việc chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, việc đề ra chủ trương, nhiệm vụ mang tầm chiến lược là phù hợp với yêu cầu về chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Và việc sàng lọc, lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có tâm, có tầm, biết đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết, tất cả vì sự nghiệp chung, có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Đại hội lần thứ XIII của Đảng đúng định hướng, xứng với niềm tin, sự kỳ vọng của các tầng lớp đảng viên và nhân dân cả nước.

Tại Chỉ thị số 35-CT/TW ban hành ngày 30/5/2019 về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cấp ủy các cấp tiếp tục thực hiện mô hình bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch HĐND; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.

Đáng chú ý, Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể; cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Thực hiện chủ trương thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao...

Trong quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 2/1/2020 cũng nêu rõ: Người cán bộ phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng.

Người cán bộ phải có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...

Đây cũng phải là người mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi…

Quy định 24 cũng yêu cầu cán bộ phải tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.

Cùng với đó, phải có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử cụ thể, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Đánh giá về  quy định này, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho biết, quy định 214 đã tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW (ngày 19-5-2018) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

"Quy định 214 cũng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đó, thực sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng". - ông Bình nói.

Thực tế cho thấy, trước mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta chủ trương tổ chức Đại hội điểm nhằm rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà. Khi tiến hành Đại hội điểm, chúng ta cũng rút ra những bài học thành công và chưa thành công. Tuy nhiên, không phải Đại hội điểm nào cũng thành công như ý muốn, và cũng có những Đại hội điểm còn hạn chế, nhiều Đảng bộ cơ cở phải rút kinh nghiệm.

“Chúng tôi đã chứng kiến ở nhiệm kỳ trước và thấy, vì được chỉ định là Đại hội điểm nên cấp ủy cấp trên và cấp ủy cấp triệu tập Đại hội chuẩn bị “quá kỹ lưỡng” nên việc phát huy vai trò dân chủ của đảng viên, đại biểu dự Đại hội nhiều khi còn hạn chế. Nên việc thảo luận vào dự thảo văn kiện trình Đại hội nhiều khi được chuẩn bị trước, hoặc theo chỉ đạo được duyệt trước nên đại biểu phát biểu theo một công thức nào đó.” - PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nói.

Ông Phúc cho rằng, do chuẩn bị kỹ nên đại biểu dự Đại hội bầu nhân sự theo chỉ đạo của cấp trên hoặc chỉ đạo của cấp ủy, nên trong thâm tâm họ chưa ưng lắm, chưa thấy đồng chí đó thực sự tiêu biểu cho Đảng bộ mình vào cấp ủy. Mặc dù Đại hội tiến hành suôn sẻ, không có trục trặc gì nhưng kết quả Đại hội cũng chưa được như mong muốn.

"Sau Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đảng bộ Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 18/10/2019, Ban Tổ chức Trung ương đã ra hướng dẫn số 26, trong đó quy định cụ thể về việc thành lập tiểu ban nhân sự Đại hội, về việc xây dựng đề án nhân sự trình Đại hội, về tiêu chuẩn của cấp ủy viên các cấp. Đặc biệt, lần này quy định rất cụ thể về độ tuổi tham gia cấp ủy, cả những trường hợp đặc biệt. 

Trong lý luận chúng ta cũng đã thấy, sau khi có đường lối đúng thì vấn đề quyết định nhất, quan trọng nhất là vấn đề nhân sự. Qua thực tiễn ở nhiệm kỳ trước, chúng tôi thấy các đại biểu dự Đại hội khi đóng góp vào dự thảo văn kiện cũng không nhiều lắm. Các đại biểu cũng cho rằng, công tác chuẩn bị văn kiện trình Đại hội về cơ bản có thể yên tâm và các đại biểu gần như tập trung tâm sức, trí tuệ vào việc lựa chọn cán bộ tham gia cấp ủy khóa mới". - ông Phúc nói.

Đúng vậy, cán bộ là người đề ra chủ trương, chính sách, nhưng đồng thời cũng là người tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, quyết sách của Đại hội đã nêu ra. Vì vậy, công tác cán bộ hết sức quan trọng. Làm thế nào để chọn cho đúng cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức, vì dân vì nước để thực hiện nhiệm vụ không phải điều dễ dàng.

Bởi, trong thực tế cũng có những cán bộ được bổ nhiệm hoặc được bầu trong Đại hội làm đúng quy trình, thậm chí trước Đại hội được đánh giá rất tốt nên được bầu với số phiếu rất cao. Nhưng sau khi cán bộ trúng vào cấp ủy thì thời gian sau họ trở thành một con người khác, bộc lộ năng lực hạn chế, phẩm chất, đạo đức cũng không thực sự trong sáng, cán bộ, đảng viên cũng không tâm phục khẩu phục.

Thực tế đã chứng minh, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có tới hơn 90 cán bộ cấp cao. Điều đó cũng thể hiện sự lựa chọn, chuẩn bị nhân sự trước Đại hội là chưa trúng.

Từ bài học đó, thực tiễn yêu cầu công tác cán bộ, lựa chọn cấp ủy viên phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc phát huy dân chủ trong Đảng, trong dân phải tiến hành từ khi làm quy trình nhân sự. Có nghĩa là trước khi làm quy trình nhân sự từ cấp xã, phường, tỉnh, thành phố, thậm chí Trung ương thì nên thăm dò trong dân, trong cán bộ đảng viên, để phát hiện cán bộ nào thực sự xứng đáng vào cấp ủy.

Đối với công tác đánh giá cán bộ cũng vậy, không chỉ là cấp trên cấp ủy, thủ trưởng cơ quan đánh giá mà phải đưa ra tập thể cán bộ, đảng viên cơ quan, khu dân cư đánh giá.

Cùng với đó, trong phòng chống tham nhũng thì phải kiên quyết kê khai tài sản của cán bộ, vợ con cán bộ, thậm chí cả người thân để xem trước khi nhận chức vụ, cán bộ có khối tài sản gì, sau nhiệm kỳ 5 năm, khối tài sản đó tăng lên bao nhiêu, do đâu mà có.

Hy vọng, từ những bài học lớn trong những năm qua, tại kỳ đại hội lần này, những người có trách nhiệm sẽ kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; không chấp nhận những cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đặc biệt là phải cương quyết ngăn chặn, đấu tranh với tình trạng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước; không cơ cấu những nhân sự quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao…

Nếu chúng ta làm được điều đó, nếu chúng ta tìm được đúng những cán bộ mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, chắc chắn sự nghiệp cách mạng sẽ thành công!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII] Bài 3: Chọn được người liêm chính, cách mạng sẽ thành công! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714084074 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714084074 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10