TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII: Cán bộ phải biết giữ mình

SÔNG HÀN 25/07/2020 05:00

Đất nước này trong tương lai phát triển ra sao cũng trông cậy vào đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nòng cốt của bộ máy Đảng, Nhà nước.

Thời gian qua, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII có lẽ là một trong những điểm nổi bật trong các hoạt động chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCH TƯ), Bộ Chính trị và chính quyền địa phương các cấp. 

Rút kinh nghiệm những thiếu sót từ kỳ Đại hội XII nên lần này, BCH TƯ đã ban hành một số quy định chặt chẽ hơn như Quy định 205 về chống chạy chức chạy quyền, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Song song đó, còn có Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH TƯ. Hay như Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo sau quy định là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” nêu rõ: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”.

Kết luận số 55 của Ban Bí thư “Về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”, yêu cầu không đưa vào cấp ủy khóa mới những người có biểu hiện “thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, dĩ hòa vi quý”.

Trước đó, chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ mới những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.

Thật ra, không phải đến bây giờ Đảng ta mới đưa nguyên tắc nêu gương ra bàn thảo, xây dựng thành quy chế. Từ khi thành lập Đảng, từ ngày lập nước, mỗi đảng viên, cán bộ đã thề suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Không gương mẫu, không hy sinh quyền lợi nhỏ hẹp, riêng tư thì không làm nên sự nghiệp lớn. Từ lâu rồi, câu khẩu hiệu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đã thành câu nói hàng ngày, như một thành ngữ.

Xét về mặt đạo lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Đảng là đứa con nòi của nhân dân lao động, thế nhưng sự hư hỏng của một bộ phận quan trọng các công bộc của dân đã làm phiền lòng nhân dân”.

Thế nên, việc khởi tố, điều tra với những người từng là quan chức cấp cao trong cơ quan công quyền, thậm chí là từng giữ vị trí “tư lệnh” các ngành, các địa phương là hành động mang tính chất mạnh tay, kiên quyết không khoan nhượng trước những hành vi sai phạm của Đảng, Nhà nước ta.

Dĩ nhiên, khi những sai phạm của cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp cao được công bố, mọi người không khỏi há hốc, ngạc nhiên vì những sai phạm “to như cột đình” mà các cán bộ đã thực hiện. Thậm chí, có không ít sai phạm mang tính hệ thống, diễn ra trong thời gian dài, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn cho tài sản của nhà nước. Những sai phạm được thực hiện đã làm méo mó, biến dạng những hoạt động bình thường của cơ quan công quyền.

Từ đó cũng cho thấy rõ một điều “Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Tướng nào quân nấy”. Nên một vấn đề, từ lâu đã thành nguyên tắc: Đã là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu, làm gương cho quần chúng noi theo. Đã là cán bộ lãnh đạo thì phải gương mẫu, làm gương cho cấp dưới làm theo. Cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo càng cao, là rường cột nước nhà, càng “cây cao bóng cả” thì càng phải gương mẫu, càng phải làm gương.

Nói cách khác, người lãnh đạo cấp càng cao càng phải biết giữ mình. Khi lãnh đạo ăn ở “chính ngôi”, liêm chính, đường hoàng, đĩnh đạc, “người dưới” ắt nể phục, chẳng dám “hỗn hào”, càng không thể làm loạn, “lộn nhào lên trên”.

Bởi vì “Phúc chu thủy tín dân do thủy”, tức là làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước. Mất tiền bạc là mất ít, mất danh dự là mất nhiều,  mất niềm tin là mất hết.

Và càng phải nhớ, thước đo lớn nhất ở đây là những quy định, nhưng không có thước đo gì hơn thước đo lòng dân. Lòng dân là hàn thử biểu sức mạnh của một thể chế, uy tín cao hay thấp của một cán bộ.

Có thể bạn quan tâm

  • TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII: Thiếu công khai sẽ làm méo mó quy trình công tác nhân sự

    05:00, 06/07/2020

  • TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII: Chống “chạy” bằng mọi cách

    05:00, 12/06/2020

  • TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII: 6 nguyên tắc lựa chọn ủy viên trung ương

    06:29, 28/05/2020

  • TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII - Bài 25: Từ chuyện lá đơn viết sẵn đến chọn nhân sự tại Thanh Hoá cho nhiệm kỳ tới

    05:00, 27/05/2020

  • TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII - Bài 24: Cần tăng “sức chiến đấu” của Đảng!

    05:00, 26/05/2020

  • TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII - Bài 23: Chọn cán bộ Đại hội Đảng theo tiêu chuẩn của Bác Hồ

    05:00, 25/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII: Cán bộ phải biết giữ mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO