TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII: Thiếu công khai sẽ làm méo mó quy trình công tác nhân sự

Diendandoanhnghiep.vn Chuyện công tác nhân sự luôn được dư luận đặc biệt quan tâm trước mỗi kỳ Đại hội.

Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đai hội XIII của Đảng đang diễn ra ở các địa phương. Đây cũng là thời điểm dễ xuất hiện những biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”,“hoàng hôn nhiệm kỳ” để rồi tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, thực hiện những “chuyến tàu vét”...

Thực tế cho thấy, đã từng và đang có “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực hiện diện ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, nhất là trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

Nó được biểu hiện dưới các dạng như: Tạo quan hệ với cấp trên, cơ quan có thẩm quyền, hối lộ dưới mọi hình thức để giành được kinh phí, đề tài, dự án… có lợi cho đơn vị, địa phương và cho chính mình.

Trong lĩnh vực bố trí cán bộ thì họ liên kết, móc ngoặc với nhau để người “cầu” thì được bố trí vào các chức vụ mong muốn cho bản thân, hoặc cho người thân trong gia đình, còn người “cung” (có quyền) thì được hưởng lợi từ các quyết định bất minh đó.

Những người bị lôi kéo, móc nối hình thành “nhóm lợi ích” thường là những người có chức, có quyền, thoái hóa, biến chất, thu vén cá nhân, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân và gia đình mình.

Cùng nằm trong nhóm này là một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất thuộc các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra… khiến cho “nhóm lợi ích” càng có vỏ bọc dày, khó bị phát hiện…

Thực trạng trên đòi hỏi cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở và mỗi người dân, đồng thời khắc phục ngay những sơ hở, lỗ hổng về cơ chế, chính sách trong quản lý, điều hành trong đấu tranh, xử lý tiêu cực của “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” hiện nay.

Chả thế mà, quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII, Đảng ta chủ trương: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…; bản thân hoặc vợ, chồng, con vi phạm chính sách, pháp luật”.

Thẳng thắn mà nói, khi cán bộ lên chức nhờ chạy chọt mà không đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc nên hiệu quả công việc thấp, thậm chí mắc khuyết điểm, sai lầm, làm uy tín của tổ chức giảm sút.

Do lên chức không phải bằng năng lực của mình, nên khi cán bộ vào vị trí lãnh đạo, quản lý dễ sa vào lộng quyền, lạm quyền, nhũng nhiễu, tạo bức xúc trong xã hội. Vấn nạn “chạy” làm cho những người có năng lực trình độ mất động lực phấn đấu, trở nên chán chường, không yên tâm, dễ sinh tâm lý “chạy” theo trào lưu vì sợ cơ hội sẽ rơi vào tay người khác.

Cứ thế, ai mạnh, ai nhiều mối quan hệ thì “chạy” mà không còn quan tâm tới việc phải tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu thực sự để có được vị trí. Thực trạng này khiến người dân bất bình, niềm tin, sự công bằng trong xã hội bị suy giảm, làm mất sức chiến đấu của đảng viên và suy giảm uy tín của tổ chức Đảng.

Chính thực tế trên phần nào minh chứng, trước nay chúng ta đều làm ngược quy trình công tác cán bộ. Thường là người đứng đầu lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng ứng viên rồi giới thiệu ra trước tập thể, cơ quan để nhận xét, đánh giá và bầu cho “người đã được chọn” đó.

“Trường hợp cán bộ đã được người đứng đầu giới thiệu rồi thì nó như một phép bảo đảm, tập thể lãnh đạo và cấp uỷ khó có thể làm trái, làm ngược ý lãnh đạo được. Vậy thì cần làm ngược lại quy trình để giảm thiểu tác động này” - PGS.TS Vũ Văn Phúc nêu quan điểm.

Vì vậy, dù không thích, chúng ta cần phải thừa nhận một vấn đề lớn nhất trong công tác cán bộ hiện nay là chưa triệt để công khai minh bạch. Chính sự thiếu công khai làm méo mó quy trình, làm vô hiệu hoá các “chốt khoá” phòng ngừa tiêu cực, từ kê khai tài sản tới luân chuyển hay bố trí lãnh đạo địa phương là người nơi khác.

Trong bối cảnh Đại hội Đảng bộ các cấp đang diễn ra và Đại hội XIII đang đến gần, công tác nhân sự phải trên tinh thần chung là làm rất quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, cứ theo quy trình để làm, làm công bằng, minh bạch.

Nói như nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) Lê Văn Cương thì “Bộ lọc nhân dân là bộ lọc chính xác nhất. Phải đặt công tác cán bộ dưới ánh sáng, vì nếu càng bí mật thì càng “chạy chức”, “chạy quyền”. Chọn cán bộ lãnh đạo thì người dân, các thành viên trong đơn vị phải được biết người nào là tốt nhất, giỏi nhất”.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII: Thiếu công khai sẽ làm méo mó quy trình công tác nhân sự tại chuyên mục Chính trị của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714047426 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714047426 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10