Sáng nay 24/9, Tòa án nhân dân TP HCM lại tiếp tục hoãn phiên xét xử sơ thẩm vụ án “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab.
Hoãn do bị đơn đang khiếu nại…
Theo đó, chấp nhận lời đề nghị hoãn phiên tòa và xin vắng mặt của bị đơn, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã chính thức hoãn phiên xử sơ thẩm vụ án “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Theo thông tin từ phía đại diện Grab, cho biết: Lý do xin hoãn phiên tòa là do Công ty đang khiếu nại quyết định trưng cầu Công ty Cửu Long (đơn vị giám định thiệt hại). Bên cạnh đó, việc khiếu nại chưa được giải quyết và có kết quả cuối cùng cho nên khi nào có kết quả mới có thể tiếp tục phiên tòa. Cũng theo đại diện Grab, Công ty Cửu Long không có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, không có hoạt động kinh doanh phù hợp với nội dung được trưng cầu giám định.
Đại diện Grab cho biết thêm, Tòa án nhân dân TP HCM chỉ định cho Công ty Cửu Long giám định nhưng chi phí giám định do Vinasun thanh toán là không khách quan, làm ảnh hưởng đến kết quả giám định thiệt hại. Song song đó, báo cáo giám định thiệt hại ban hành ngày 20/8 nhưng đến ngày 11/9, Grab mới được tiếp cận và sao chụp báo cáo kèm theo các phụ lục với tổng số gần 5.000 trang tài liệu. Vì vậy, Grab mong muốn cần thời gian ít nhất 1 tháng để nghiên cứu, đánh giá các tài liệu đó.
Trước đó ngày 7/3, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phải tạm đình chỉ vụ án để chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cung cấp một số tài liệu liên quan. Như vậy sau hơn 06 tháng chờ 02 đơn vị nêu trên và Công ty Cửu Long (đơn vị giám định thiệt) cung cấp thông tin để có cơ sở xử. Tuy nhiên với lý do mà Grab đưa ra buộc HĐXX Tòa án nhân dân TP HCM lại phải tiếp tục hoãn phiên tòa. Do đó thời gian xét xử sẽ phải dời lại và dự kiến phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 17/10/2018.
Đương sự sẽ được vắng mặt lần thứ nhất.
Liên quan tới việc hoãn phiên tòa cũng như lý do mà Grab đưa ra, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Á, cho biết: Theo quy định tại Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TAND Tối cao giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ, mục 22 quy định:
Thứ nhất: “Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và bảo đảm vụ án được giải quyết đúng thời hạn luật định, tránh việc đương sự lạm dụng quyền khiếu nại, tố cáo làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, các điều 500, 501 và 511 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại; quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại và quyền, nghĩa vụ của người bị tố cáo, theo đó:
Người khiếu nại có nghĩa vụ chấp hành quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng mà mình đang khiếu nại trong thời gian khiếu nại và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Người bị khiếu nại có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Người bị tố cáo có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Như vậy, đối với những vụ án có khiếu nại, tố cáo, đương sự có đơn yêu cầu thay đổi Thẩm phán thì trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc xem xét việc thay đổi Thẩm phán thì Thẩm phán đó vẫn được tiến hành tố tụng cho đến khi quyết định thay đổi Thẩm phán có hiệu lực pháp luật.”
Thứ hai: Theo hồ sơ pháp nhân mà Công ty cổ phần thẩm định-giám định Cửu Long nộp cho TAND TP HCM, họ có:
Chức năng thẩm định-giám định trong Giấy chứng nhận ĐKDN; Giấy phép Bộ Tài chính đủ điều kiện giám định; Danh sách hơn 70 doanh nghiệp nổi tiếng đã thuê họ giám định.
Theo quy định tại Điều 20 Luật Giám định tư pháp, Tòa án có quyền trưng cầu các doanh nghiệp, cơ quan khác có đủ chức năng giám định mà không nằm trong danh sách công bố.
Do đó, TAND TP HCM hoãn phiên tòa căn cứ theo Khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự (đương sự được quyền vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất).
Điều 20 Luật Giám định tư pháp. Lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc 1. Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ khác và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lựa chọn, lập và hằng năm công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng. Danh sách kèm theo thông tin về chuyên ngành giám định, kinh nghiệm, năng lực của người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung. 2. Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do. Theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố. |