Trong tương lai, ngành công nghiệp sâm được nhiều địa phương chú trọng phát triển để có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
>>Nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh
Chiều 15/6, Hội thảo “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” được tổ chức tại Quảng Nam nhằm định hướng phát triển ngành sâm trên cả nước. Thông qua Hội thảo, các địa phương có lợi thế về sâm đã đề xuất nhiều phương án mới để tăng tính cạnh tranh cho ngành sâm Việt Nam.
Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp hiện nay một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển chủ yếu là Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích hơn 6.000 ha. Ông Bảo cho biết đã có một số doanh nghiệp trên cả nước tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ trong nước với mặt hàng sâm.
Ông Trần Quang Bảo cho rằng việc thực hiện đầu tư phát triển chương trình sâm cần theo từng bước vững chắc, hiệu quả, gắn việc đầu tư phát triển với bảo tồn. Đồng thời, triển khai Chương trình phải đồng bộ từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, xây dựng thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
“Trong thời gian tới, cần tạo thương hiệu sâm Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới, phát triển thương hiệu Sâm Việt Nam phải bám sát yêu cầu là thương hiệu quốc gia có giá trị, Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ, kinh nghiệm tham gia trồng, chế biến sâm. Việc nuôi trồng, phát triển Sâm trong môi trường rừng phải đảm bảo không làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm đa dạng sinh học khu rừng, phù hợp với điều kiện sinh thái của cây sâm”, ông Trần Quang Bảo nhìn nhận.
Theo kế hoạch, chương trình sẽ xây dựng và phát triển Sâm Việt Nam thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, tăng thu nhập cho người làm rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sẽ có khoảng 200.000 ha trồng sân tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu và Lào Cai. Đồng thời, hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và tỉnh Lai Châu.
Cùng với đó hoàn thiện chính sách đồng bộ về tổ chức sản xuất và các giải pháp khuyến khích phát triển ngành hàng Sâm Việt Nam nhằm thu hút, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống, trồng và chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông Thôn tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển ngành sâm. Theo ông Tích, hiện nay đã có doanh nghiệp đầu xây dựng nhà máy biến các sản phẩm sâm Ngọc Linh dược liệu tại huyện Nam Trà My, dự kiến đưa hoạt động vào cuối năm 2022.
“Trong tương lai, Quảng Nam sẽ phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm đạt thương hiệu sản phẩm Quốc gia và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất Sâm của Hàn Quốc, tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm giống sâm Ngọc Linh và trung tâm kiểm định chất lượng giống sâm Quốc gia”, ông Tích cho biết.
Thông qua Hội thảo, tỉnh Quảng Nam kiến nghị các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ sớm ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam). Đồng thời, có những cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp vào trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm núi Ngọc Linh, hỗ xây dựng tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch,... phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho Sâm Ngọc Linh tiếp cận với thị trường thế giới.
Cùng với đó, cơ chế chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đối với việc phát triển đầu tư trong lĩnh vực sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại dược liệu khác. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sớm có hướng dẫn lập hồ sơ, cơ sở pháp lý để xác nhận cây sâm Ngọc Linh hiện trồng ở Quảng Nam là sâm nuôi trồng nhân tạo (không phải là sâm tự nhiên trong phụ lục của Cites). Đặc biệt, sớm có cơ chế bình tuyển, công nhận giống cây sâm Ngọc Linh về phân định rõ là cây trồng nông nghiệp hay lâm nghiệp.
Có thể bạn quan tâm