Nhu cầu tín dụng tăng, lãi suất khó hạ

Diendandoanhnghiep.vn Nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức được giao. Và lãi suất vay được dự báo sẽ khó hạ sâu...

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp "room" tín dụng năm 2021 cho các ngân hàng với mức nhìn chung thấp hơn so với tăng trưởng thực tế năm trước. Vụ trưởng Tín dụng Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, NHNN đưa ra 3 kịch bản tín dụng cho năm 2021 với Kịch bản 1 có thể đạt 12-14%; Kịch bản 2 tăng trưởng 10-12%, được nhận định là có khả năng xảy ra nhất và Kịch bản 3, NHNN đang kiểm soát con số ở 8-9%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp "room" tín dụng năm 2021 cho các ngân hàng với mức nhìn chung thấp hơn so với tăng trưởng thực tế năm trước

Ngân hàng lạc quan

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng (TCTD) phần lớn đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao. Phải kể đến như ngân hàng VIB lên kế hoạch tăng tín dụng và huy động vốn 31%. Theo VIB là dựa trên cơ sở thực hiện khả thi và trong kỳ vọng NHNN phê duyệt, dù hạn mức tăng trưởng tín dụng mà VIB được cấp là khoảng 8%. 

Tương tự, tại MSB, NHNN chỉ giao chỉ tiêu 10,5% nhưng MSB cũng dự kiến tăng tín dụng 25% trong năm 2021. CEO của MSB cho biết, đến hết quý I, tín dụng của ngân hàng sẽ tăng khoảng 9%, gần hết "room" NHNN giao. Năm 2021, MSB sẽ tập trung tín dụng cho năng lượng sạch, các ngành nghề kinh doanh sản xuất ít chịu tác động của dịch COVID-19.

Tại BIDV, một trong 4 ngân hàng quốc doanh năm nay có kế hoạch tăng dư nợ tín dụng 10-12%, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không vượt 1,6%. Vừa qua, cơ quan điều hành cấp cho ngân hàng này "room" tín dụng 7,5% năm nay, tương tự như hạn mức dành cho VietinBank, song ngân hàng này đã dự kiến tăng tín dụng 6-12%.

Riêng Vietcombank được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10,5%, cao nhất trong các ngân hàng quốc doanh. Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng 12%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. 

Mỗi năm, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng TCTD vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm dựa trên tính hình thị trường và chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Thực tế, nhiều TCTD thường  sử dụng hết hạn mức từ giữa năm, hoặc quý III, trước khi NHNN xét duyệt nới thêm đợt hai. 

Năm 2021, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến 19/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,49% so với cuối năm 2020, trong khi cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54%, cao hơn so với mức 0,51% của cùng kỳ năm trước.

Tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47%, cải thiện so với con số 0,68% 3 tháng đầu năm 2020. Dịch COVID-19 được khoanh vùng và kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường được cho đã thúc đẩy nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng.

Trước đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến 17/3, tín dụng tăng 1,2%, cả quý I ước tăng 2% so với cuối năm trước. Con số này cao hơn quý I/2020 quanh 0,68%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đang khá lạc quan và nếu nền kinh tế tiếp tục giữ được trạng thái kiểm soát dịch thành công như hiện tại, nhu cầu vốn cao để tận dụng cơ hội phát triển kinh tế trong thời bình thường sẽ tiếp tục lạc quan hơn.

Khó hạ lãi suất

Bên cạnh việc tăng trưởng tín dụng, mới đây nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đã điều chỉnh tăng lãi suất sau một thời gian dài điều chỉnh giảm.

Cụ thể, tại Techcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường được ngân hàng này tăng mạnh tới 0,6%, lên 4,4 - 4,7%/năm. Lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 4,1 - 4,3%/năm, lên 4,5 - 4,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, Techcombank tăng thêm khoảng 0,5%/năm, lên 5,1 - 5,4%/năm đối với khách hàng thường và 5,2 - 5,5%/năm đối với khách ưu tiên.

Hay tại ngân hàng Quân đội (MB) cũng tăng lãi suất tiết kiệm đối với một số kỳ hạn, như lãi suất kỳ hạn 12 tháng được nâng lên 5,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 4,68%/năm.

Có thể thấy, mặt bằng lãi suất của nhiều ngân hàng đều có sự điều chỉnh, trong đó phần lớn các ngân hàng nhỏ có mức lãi suất hấp dẫn ở các kỳ hạn dài từ 18 – 36 tháng với lãi suất trên 7%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng như NCB, CBBank, NamABank, VietABank… đều áp dụng mức lãi suất trên 6%/năm.

chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, trước đây, lãi suất của một số ngân hàng đã xuống thấp. Song với kỳ vọng lạm phát ở mức 4% trong năm nay và tín hiệu lạm phát có thể trở lại gần đây, lãi suất huy động trong nền kinh tế phải tăng và phải đảm bảo kỳ vọng của người gửi tiền.

Một số ngân hàng đã có lãi suất huy động rất thấp từ 2,8 - 3% kì hạn ngắn, có thể dẫn đến việc người gửi tiền tiết kiệm cũng như các doanh nghiệp sẽ rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, gần nhất, ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất và đương nhiên khi lãi suất huy động thực dương thì việc cho vay cũng phải đảm bảo quyền lợi cũng như chi phí cho ngân hàng.

Theo tôi, lãi suất cho vay khó có thể thấp hơn nữa mặc dù NHNN mong muốn các ngân hàng thương mại sẽ giữ mức lãi suất thấp. Chúng tôi dự đoán vào khoảng cuối quý I, đầu quý II, có thể lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ tăng. Điều này cũng thể hiện kỳ vọng lạm phát của nền kinh tế trên thế giới phản ánh vào lạm phát của Việt Nam, vì Việt Nam là nước nhập khẩu rất nhiều.

Rõ ràng, các quốc gia trên thế giới đều quay lại phục hồi sản xuất, giá dầu tăng lên, giá các nguyên vật liệu cũng tăng theo, đặc biệt các gói hỗ trợ tài chính của nhiều quốc gia được bơm vào nền kinh tế, việc tăng lãi suất là khó tránh khỏi”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Cũng theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc tăng lãi suất khiến các doanh nghiệp sẽ có những khó khăn nhất định trong quá trình vay vốn và sử dụng vốn, chưa kể khó tiếp cận khi ngân hàng vẫn được yêu cầu phải đảm bảo cho vay trong chuẩn mực quy định. Tuy nhiên các ngân hàng hoàn toàn có thể tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận kinh doanh để giữ nguyên hoặc giảm một chút lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Có thể nhận thấy, dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải có sự thay đổi rất lớn trong cấu trúc tài chính và giảm nhiều chi phí sản xuất. Hy vọng rằng, nhu cầu về vốn thực dụng vẫn là một nhu cầu có thật nhưng không quá lớn và không quá gây áp lực nhiều trong nền kinh tế.

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nhu cầu tín dụng tăng, lãi suất khó hạ tại chuyên mục Tín dụng - Ngân hàng của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713265148 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713265148 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10