Có lẽ, đã đến lúc Việt Nam cần thực hiện các giải pháp quản lý “hậu đầu tư” chặt chẽ để tránh việc nhà đầu tư nước ngoài “vẽ voi”.
Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/9/2018 tổng vốn đăng ký FDI luỹ kế vào Việt Nam là 334 tỷ USD với 26.646 dự án. Trong đó, vốn luỹ kế thực hiện đạt khoảng 185,62 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Bài toán đặt ra trong thời gian tới đó là Việt Nam sẽ làm gì để biến con số 150 tỷ USD trên giấy tờ trở thành những con số được đầu tư vào thực tế.
Có thể bạn quan tâm
10:36, 04/10/2018
04:26, 04/10/2018
03:08, 03/10/2018
02:18, 03/10/2018
Dự án tỷ USD “bánh vẽ”
Trong năm 2018, thị trường đầu tư Việt Nam đã ghi nhận một số dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD bị “chết yểu” sau hàng chục năm cấp phép.
Trước tiên, phải kể đến dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam của nhà đầu tư Malaysia là Tập đoàn Berjaya tại TP.HCM với số vốn đăng ký lên tới 3,5 tỷ USD. Sau nhiều năm “khất lần” và cam kết sẽ khởi động lại dự án vào năm 2018, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay đã gần sang quý IV/2018, dự án vẫn chưa có tiến triển gì mới.
Còn nhớ, hồi tháng 4/2018, dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD vừa bị thu hồi giấy phép đầu tư sau một thời gian dài đình trệ, xin gia hạn triển khai, chính thức động thổ rồi lại tiếp tục... giậm chân tại chỗ. Mặc dù trước đó, dự án này đã từng được kỳ vọng rất lớn.
Một siêu dự án khác cũng trở thành “bánh vẽ” đó là dự án Saigon Peninsula tại phường Phú Thuận (quận 7, TPHCM) có quy mô lên đến 118ha và tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD. Được biết, sau khi khởi công đến nay dự án vẫn là… bãi đất trống. Như vậy, chỉ tính 3 dự án vừa nêu, con số bị hụt đi trong tổng số vốn đăng ký đầu tư cũng đã khoảng 11 tỷ USD. Chưa kể đến hàng chục dự án tỷ USD, hàng trăm dự án có quy mô nhỏ hơn khác sẽ chỉ nằm trên giấy.
Có nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho những dự án “bánh vẽ” trên, có thể là chủ quan, khách quan. Ví dự như Tập đoàn, Công ty mẹ ở nước ngoài bị khủng hoảng, làm ăn thu lỗ vì vậy không thực hiện được dự án như kế hoạch. Tuy nhiên, cũng có những lý do được cho là “cố tình” nhằm ôm đất, xí phần để chờ thời bán lại. Và sau nhiều năm không tìm được nhà đầu tư khác để chuyển nhượng, nhà đầu tư lặng lẽ rút lui.
Loại bỏ “bánh vẽ” bằng cách nào?
Theo nhiều ý kiến, đành rằng số vốn đăng ký bao giờ cũng lớn hơn số vốn thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ vốn “trên giấy” này được coi là rất lớn, cần xem xét thấu đáo nguyên do. Tuy nhiên, để đảm bảo tính sát thực cho các cân đối vĩ mô, cần dứt khoát loại bỏ ít nhất 1/2 số tiền đang “treo” này ra khỏi bài toán kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, việc thay đổi chiến lược thu hút FDI để hạn chế dự án “ảo” nói riêng, cũng như những tiêu cực trong quá trình thu hút dòng vốn này nói chung là đề xuất đã được nhiều nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đề xuất.
Theo đề xuất của ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế - VCCI: “Để có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới tốt, có lẽ cần thiết phải làm rõ những con số về chất lượng nguồn vốn, chất lượng công việc được tạo, mức độ lan toả ra từ khối doanh nghiệp FDI, và ngân sách nhà nước thu được so với những già Nhà nước đầu đầu tư cơ sở hạ tầng, những ưu đãi trong thu hút đầu tư? Bởi hiện nay, những công bố, báo cáo liên quan đến con số thu hút FDI, mới chỉ dừng lại ở mức đơn thuần là số vốn đăng ký, số vốn giải ngân”.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng: “Cần tăng cường năng lực thẩm định “nhân thân” của nhà đầu tư.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, hiện nay, hành lang pháp lý chưa có quy định về mức vốn góp thực hiện dự án tối thiểu, hoặc quy định về tỷ lệ giữa vốn góp và vốn đăng ký, cũng chưa có quy định về thời hạn góp vốn thực hiện dự án khiến hầu hết các nhà đầu tư đều thực hiện giải ngân theo đăng ký. Nếu nhà đầu tư không tuân thủ cam kết, thì việc giải ngân sẽ chậm.
Vì vậy, đại diện một vị lãnh đạo Sở KH &ĐT đề xuất: “Có lẽ, tới đây, nên bổ sung các quy định nói trên, bổ sung các quy định, tiêu chí và yêu cầu cụ thể đối với việc xem xét về năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính của nhà đầu tư để đảm bảo tính minh bạch và thu hút được các dự án hoạt động hiệu quả”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong trung và dài hạn. “Mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0”, ông Dũng nói. Về định hướng ngành, lĩnh vực trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần tập trung ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. Truyền thông điệp đến với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Dũng bày tỏ thiện chí: “Chúng tôi mong muốn các bạn đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng”. |