Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi.
Ngày 10/3 âm lịch hàng năm là thời điểm cho những con Rồng cháu Tiên về trẩy hội tại Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để ghi nhớ công ơn dựng nước giữ nước của các vua Hùng cũng như thể hiện niềm tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam - một dân tộc anh hùng yêu chuộng hòa bình và chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ một thế lực ngoại xâm nào.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.
Niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên tức năm 986 dưới triều Lê Đại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, còn gọi là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Đây là lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Định thứ 4 (1919).
Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”
Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nơi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thờ cúng Hùng Vương. Đây là niềm tự hào, tự tôn của một dân tộc trải qua trên hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mà có được.
Các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian đều khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi.
Thực tế, người Việt Nam, dù già hay trẻ, trai hay gái đều ghi nhớ trong lòng mình là con Rồng, cháu Tiên, cùng máu đỏ, da vàng, cùng sinh ra từ “một bọc” (đồng bào), cùng quê hương, đất tổ.
Có thể nói, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, hay những tư tưởng trong “Di chúc”, chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy. Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả “thời đại 4.0” với “thế hệ Gen Z”, hay cho đến mãi về sau.
Vấn đề là, trong hoàn cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra phúc tạp trên thế giới và Việt Nam vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào, nên vấn đề phòng dịch ở Lễ hội cũng được đặt ra một cách nghiêm túc, thận trọng nhất.
Theo đó, để chuẩn bị cho Giỗ Tổ Hùng Vương, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2021 tỉnh Phú Thọ đã triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, bố trí bãi đỗ xe thuận lợi cho du khách về tham quan, chiêm bái. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, vườn hoa, cây xanh, các khu vệ sinh thường xuyên được dọn dẹp, cắt tỉa, bảo đảm mỹ quan.
Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được đề cao, với sự tham gia của nhiều ban, ngành, cơ quan truyền thông, lực lượng tình nguyện. Duy trì tổ chức phần lễ; phần hội gói gọn trong các hoạt động truyền thống...Điều này nhằm tiếp nối phong tục lâu đời, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đồng bào cả nước song vẫn bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Những điều đó cho thấy một Việt Nam luôn biết đặt mình trong “sự khiêm tốn và cầu thị” để không được phép chủ quan, khinh suất, lơ là, hạn chế sai lỗi. Chưa bao giờ, tận trong mỗi nhịp sống và mạch nhận thức của người dân, lại thấu cảm, tin cậy, sẻ chia, đồng thuận, gánh vác cùng với chính quyền, giữa người dân lẫn nhau như bây giờ.
Và một lần nữa chúng ta tin tưởng tinh thần ngày giỗ Tổ sẽ càng nhân lên sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp Việt Nam chiến thắng được mọi kẻ thù, vượt qua được mọi thiên tai, dịch họa.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 02/04/2020
11:00, 02/04/2020
03:00, 17/04/2021
11:47, 16/04/2021
05:30, 16/04/2021
14:33, 14/04/2021
14:14, 13/04/2021
14:22, 12/04/2021
02:03, 08/04/2021