Tốc độ cải cách thể chế chưa đạt như kỳ vọng

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 31/05/2019 11:28

Tốc độ cải cách thể chế vẫn còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XIV

ĐB Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: Việt Nam có tiến bộ so với chính mình nhưng vẫn chưa khép lại được khoảng cách với bạn bè và đối tác trong cuộc đua toàn cầu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh".

Các số liệu mới nhất được Chính phủ công bố cho thấy, chúng ta hiện nay đã đạt được sự ổn định tương đối vững chắc về kinh tế vĩ mô và năm 2019 có thể sẽ là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát sẽ được kiềm chế ở mức dưới 4%. Với lạm phát cơ bản trung bình của 5 tháng đầu năm nay mới chỉ ở mức 1,85% thì có thể coi mục tiêu lạm phát mà Quốc hội giao năm nay đã nằm trong tầm tay của Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần khuôn khổ pháp lý minh bạch và an toàn trong đầu tư PPP

    Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần khuôn khổ pháp lý minh bạch và an toàn trong đầu tư PPP

    12:20, 07/05/2019

  • TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI:

    TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: "Khởi nghiệp hay là chết"

    16:16, 18/01/2019

  • Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Ý kiến của doanh nghiệp là điểm tựa quan trọng cho mọi cải cách

    Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Ý kiến của doanh nghiệp là điểm tựa quan trọng cho mọi cải cách

    10:09, 08/01/2019

  • TS. Vũ Tiến Lộc: Cần phát triển Hà Nội như một thành phố trung tâm có tính cạnh tranh quốc tế

    TS. Vũ Tiến Lộc: Cần phát triển Hà Nội như một thành phố trung tâm có tính cạnh tranh quốc tế

    15:22, 20/12/2018

Mấy năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực điều hành tỷ giá một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Đồng tiền Việt Nam trong 2 năm gần đây đã nằm trong nhóm các đồng tiền ổn định nhất châu Á, góp phần nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, bất chấp những sức ép rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra ngày càng căng thẳng.

Một thành tựu nổi bật khác là nợ công đã được đưa xuống mức 58,4% trong năm 2018. Tình hình tài chính quốc gia hiện nay đã cho chúng ta cảm giác an tâm hơn nhiều so với vài năm về trước.

Những cải thiện tích cực nói trên cho thấy đã đến lúc chúng ta không nhất thiết phải mở rộng tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. Ngược lại, khi các nguồn lực và cơ hội đầu tư được dành cho khu vực công ít hơn, cho khu vực tư nhân nhiều hơn cơ chế đối tác công tư được thực hiện thì hiệu quả vốn đầu tư sẽ được nâng cao và tăng trưởng sẽ bền vững hơn. Với đà này, nếu Chính phủ tiếp tục giảm nợ công xuống dưới 55% GDP trong những năm tới, thì tăng trưởng kinh tế có thể sẽ còncao hơn nữa.

Mặc dù vậy, về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, tôi đề nghị Chính phủ nên giữ quan điểm thận trọng. Hiện nay, nhiều đánh giá, dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín cho thấy tăng trưởngkinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục yếu đi và tác động tiêu cực tới khu vực kinh tế đối ngoại của chúng ta. Xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019 đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư đăng ký mới có tăng lên, đặc biệt là luồng vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư theo kiểu “tiền tươi thóc thật của cả khu vực kinh tế trong nước lẫn khu vực FDI đều đang chậm lại. Xu hướng này sẽ khiến cho mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay vẫn là một thách thức không nhỏ.

Điều khiến chúng ta lo lắng nhất là tốc độ cải cách thể chế vẫn còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng. Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng phát triển dài hạn của nền kinh tế. Công cuộc cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 dù đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng chưa để lại nhiều dấu ấn đậm nét, mang ý nghĩa bứt phá như yêu cầu của Thủ tướng và Chính phủ. Chúng ta có tiến bộ so với chính mình nhưng vẫn chưa khép lại được khoảng cách với bạn bè và đối tác trong cuộc đua toàn cầu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Theo báo cáo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2018, Việt Nam đã bị tụt hạng so với năm 2017. Chính phủ đặt ra mục tiêu đưa nước ta vào nhóm 4 nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh vào năm 2020 nhưng hiện tại chúng ta mới đang được xếp hạng ở vị trí thứ 5 và thứ 7.

Thủ tướng và Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy cải cách và mở mang thị trường mà các hoạt động ngoại giao con thoi của Thủ tướng nhằm vận động việc ký kết và phê chuẩn các FTA thế hệ mới là một minh chứng... Nhưng tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn chưa được khắc phục triệt để. “Lạnh” ở đây không chỉ ở một số địa phương, mà còn ở ngay cấp Bộ ngành. Các Bộ, ngành vẫn chưa dành đủ thời gian và tâm lực cho cải cách thể chế, do vẫn còn đa mang quá nhiều dịch vụ công và thủ tục hành chính, ít chịu chuyển giao cho thị trường và phân cấp cho các địa phương. Cơ chế xin-cho vẫn tồn tại, luật pháp vẫn chồng chéo, chưa minh bạch, không nhất quán..., tiềm ẩn nhiều rủi ro và bó tay, bó chân các địa phương và doanh nghiệp. Tranh chấp quyền anh, quyền tôi trong các cơ quan quản lý vẫn nặng nề… Cách làm thể chế hiện nay vẫn là Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tự rà xét, tự đề xuất các biện pháp cắt giảm thủ tục, nhưng không dễ gì để mọi người có thể tự “lấy đá ghè chân mình”. Cách làm này, vì vậy, ít mang lại hiệu quả và khó có thể tạo ra đột phá.

Tôi đề nghị nên có cách tiếp cận khác, Chính phủ cần tiếp tục tạo áp lực cải cách mạnh mẽ hơn từ trên xuống theo tinh thần của Nghị quyết 19, Nghị quyết 02, trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ cơ sở, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo, lấy các chuẩn mực quốc tế tiên tiến làm khuôn mẫu, lấy những thực tiễn tốt làm gương soi, không cốcác mô hình kinh doanh trong thời kinh tế số theo khả năng quản lý còn rất thủ công.Mà quản lý phải nương theo và làm bệ đỡ thúc đẩy cho tự do sáng tạo và đề cao trách nhiệm trong kinh doanh. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân là mục tiêu,quản lý Nhà nước chỉ là phương tiện.

Tôi đề nghị giao cho các tổ chức độc lập, các hiệp hội doanh nghiệp, địa phương, cơ sở tiến hành rà xét tổng thể môi trường kinh doanh để kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ tập trung khắc phục sớm nhất những điểm nghẽn trong pháp luật về kinh doanh mà trong các phiên thảo luận mấy ngày qua nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập. Trong từng bộ ngành, đề nghị giao nhiệm vụ rà xét đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính cho các bộ phận độc lập thay vì để các cơ quan trực tiếp cấp giấy phép tiến hành rà xét và đề  xuất cắt giảm giấy phép theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay.

Tôi đề nghị, cần tiến hành tổng kết các mô hình và thực tiễn cải cách thành công ở các Bộ ngành, địa phương tiên phong để nhân rộng ra cả nước.

Tôi cũng đề nghị, Quốc hội có chương trình giám sát chuyên đề về công tác xã hội hoá dịch vụ công và công tác phân cấp, phân quyền trong  quản lý hành chính của các Bộ ngành để thúc đẩy mạnh mẽ công tác này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tốc độ cải cách thể chế chưa đạt như kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO