Không chỉ nhức nhối về chất kháng sinh, màu sắc, kích thước cũng là hạn chế của tôm Việt.
Theo nhận định của VASEP, với nhu cầu ổn định, giá xuất khẩu cao, ưu đãi thuế quan thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc - Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này trong năm 2019. Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Việt Nam chịu thuế NK thấp nhất (10%) so với các nguồn cung đối thủ khác như Trung Quốc (20%), Ấn Độ (12,5%), Ecuador (20%) và Thái Lan (10%).
Có thể bạn quan tâm
11:00, 26/07/2018
01:02, 09/07/2018
03:45, 02/07/2018
05:55, 06/04/2018
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, vấn đề nhức nhối hiện nay của ngành tôm là dư chất kháng sinh trong nuôi tôm. Một vấn đề khác gây khó cho người nuôi tôm là màu sắc. Các thị trường nhập khẩu ưa chuộng và chú trọng đến màu sắc của tôm nhưng sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng nên khó đạt yêu cầu của khách hàng. "Đây là hạn chế của sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt so với tôm từ các nước khác", ông Quang nhận định.
Ngoài màu sắc, kích thước cũng là hạn chế của tôm Việt. Nông dân Việt Nam thường nuôi tôm và chỉ thu hoạch tập trung một lần khi tôm đạt kích cỡ 30 - 50 con/kg. Với cách thức nuôi này, tôm nuôi vừa chậm lớn vừa mất khả năng cạnh tranh trên thị trường vì kích thước không phù hợp với nhu cầu của thị trường.
“Việc thu hoạch đồng loạt và tập trung ở cùng một kích cỡ dẫn tới tình trạng “thiếu mà thừa”. Khi đó, giá của những loại tôm thừa giảm trong khi tôm ở các kích cỡ khác lại không có để bán. Do vậy, nếu chỉ nuôi tôm ở một kích cỡ, Việt Nam rất khó cạnh tranh và khó tìm kiếm được khách hàng”, ông Quang cho biết.
Còn theo GS.TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, kỹ thuật sản xuất con giống của Việt Nam có thể xem là yếu nhất thế giới. Nó làm cho tỷ lệ hao hụt khi thả nuôi rất cao, đến 70 - 80%. Các mô hình nuôi tôm rừng (tôm sinh thái) không có giống tốt ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng.
Tỷ lệ nuôi tôm công nghiệp của Việt Nam chưa khi nào vượt quá con số 15%. Về cách quản lý, việc siết đầu ra để đáp ứng yêu cầu thị trường mà không quản lý được đầu vào, nên cũng rất khó… Trong khi đó, tiêu chuẩn về tồn dư hóa chất, kháng sinh từ các nước nhập khẩu giờ không còn là phần nghìn, phần triệu mà nó tiến tới giá trị phần tỉ. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc khắc phục những điểm yếu nêu trên cần tăng cường xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam thay vì vẫn sản xuất gia công cho các nhà nhập khẩu.