Tôn trọng tiếng “mẹ đẻ”

Diendandoanhnghiep.vn Giữ gìn văn hóa truyền thống, tôn trọng tiếng mẹ đẻ chính là cách khẳng định bản lĩnh, thể hiện sự tự tin của người Việt trước sự hội nhập toàn cầu.

Không khí cởi mở dân chủ trong đời sống xã hội và sự bùng nổ các trang mạng xã hội, việc phổ cập ngày càng rộng rãi quốc tế ngữ trong xu thế hội nhập đã khiến tiếng Việt đứng trước nhiều những thách thức.

Một trong những thách thức đó là việc lạm dụng tiếng nước ngoài, thích sử dụng tiếng lóng, chế từ ngữ mẹ đẻ và viết sai chính tả… trong một bộ phận người Việt trẻ. Ngôn ngữ nước ngoài mà chủ yếu là tiếng Anh tràn lan khắp nơi, trong trường học, nơi công sở, trên mọi nẻo đường từ các bảng quảng cáo, biển hiệu nhà hàng, văn phòng, cao ốc… rồi đặt tên cho con trẻ, làm nghệ danh.

Thậm chí, trong giới giải trí, trên các chương trình truyền hình… một số MC, nghệ sĩ vẫn thường sử dụng tiếng lóng, trộn lẫn ngôn ngữ một cách thái quá vào đoạn hội thoại, giao tiếp cùng người hâm mộ…v..v.

Kim Duyên bị H'Hen Niê chấn chỉnh cách nói chuyện

Kim Duyên bị H'Hen Niê chấn chỉnh cách nói chuyện "nửa tây nửa ta" của Á hậu Kim Duyên.

Mới đây, trong chương trình Road to Miss Universe 2021 diễn ra vào tối hôm (22/10), Đề cập đến việc học ngoại ngữ của Á hậu Kim Duyên, Hoa hậu H'Hen Niê nhắc nhở "đàn em" không nên “pha” tiếng Anh và tiếng Việt. “Mình hiểu một điều rằng, nói tiếng nào thì ra tiếng đó. Từ nào không nhớ được thì mình nói chậm, nên nói tiếng Việt ra tiếng Việt, tiếng Anh ra tiếng Anh…” - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 nói.

Thực tế trên cho thấy, chưa bao giờ việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt lại phổ biến như hiện nay. Dĩ nhiên, sự trộn lẫn ngôn ngữ là một hiện tượng bình thường với những cá nhân, cộng đồng sử dụng song ngữ hoặc đa ngữ.

Tuy nhiên, việc này không những khiến nhiều người ngơ ngác, không hiểu gì, mà theo các chuyên gia văn hóa thì đây còn là một biểu hiện của sự tự ti, đáng lo ngại. Việc đan xen ngoại ngữ vào tiếng Việt nếu không dừng lại ở giới hạn của sự cần thiết và hợp lý, mà nhiều khi bị lạm dụng thì lại bị xem là thiếu văn hóa.

Cha ông ta xưa đã từng dạy “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Hành vi “pha tiếng” bằng cách cố tình nhái giọng thổ ngữ của người khác rõ ràng là rất đáng trách, phải hết sức thận trọng. Nếu không rất có thể từ hành động này sẽ dẫn đến sự phản ứng bất thường, thậm chí nguy hiểm. 

Ở trong trường hợp "pha" ngoại ngữ vào tiếng Việt nên hiểu thông điệp mà người xưa truyền lại, đó là việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ là một việc sinh tử, sống còn. Nó là lòng tự trọng, là nhân cách, và là cách con người bảo vệ bản sắc, nguồn cội, là cách một dân tộc tự bảo vệ mình, tránh việc bị “hòa tan” vào những dòng chảy văn hóa khác trong quá trình hội nhập.

Những ngôi sao Việt từng bị cộng đồng mạng chế giễu, chỉ trích vì xen lẫn các từ tiếng Anh vào câu nói của mình khi giao tiếp với khán giả Việt.

Những ngôi sao Việt từng bị cộng đồng mạng chế giễu, chỉ trích vì xen lẫn các từ tiếng Anh vào câu nói của mình khi giao tiếp với khán giả Việt.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam nêu quan điểm: “Ai đó cứ tưởng nói “chêm” tiếng Anh khi giao tiếp bằng tiếng Việt là nghĩ mình giỏi tiếng Anh, mình hơn người nhưng chỉ người nghe mới nhận ra sự kém cỏi, kệch cỡm, thiếu văn hóa, rất khó chấp nhận… Có giữ được sự trong sáng của tiếng Việt mới giữ được bản sắc, văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Có thể nói, phổ cập quốc tế ngữ là điều tối cần thiết và đang là một trong những mục tiêu giáo dục của chúng ta. Ở một mức độ nào đó, nhìn từ góc độ tự do cá nhân có thể ta không thấy vấn đề gì, nhưng nhìn từ trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc thì lại hoàn toàn khác.

Vốn từ tiếng Việt ngày một nghèo, ngày một thiếu trong sáng do bị cố tình bỏ qua quy tắc, bị chế biến, pha tạp và cả bị viết sai chính tả. Xu hướng lai căng, vọng ngoại, thích thể hiện cá tính và sự giảm sút tình yêu, ý thức trách nhiệm với tiếng nói của dân tộc trong một bộ phận lớp trẻ đã góp phần làm nên thực trạng này.

Chính vì vậy, rất nhiều vấn đề được đặt ra ở đây là: Làm thế nào để việc phổ cập quốc tế ngữ không làm tổn hại đến ngôn ngữ mẹ đẻ? Hiện đại hóa ngôn ngữ dân tộc, quốc tế hóa tên gọi… thế nào để không đánh mất bản sắc văn hóa của mình? Làm gì để nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng “mẹ đẻ”…?

Đó đang là những câu hỏi đầy ám ảnh. Bởi giữ gìn văn hóa truyền thống, tôn trọng tiếng mẹ đẻ chính là cách khẳng định bản lĩnh, thể hiện sự tự tin của người Việt trước sự hội nhập toàn cầu.

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tôn trọng tiếng “mẹ đẻ” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711677067 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711677067 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10