Đó là chia sẻ của ông Trịnh Thanh Cần– Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) khi trao đổi với DĐDN về những biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua.
Trong cuộc họp về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2018 chiều ngày 17/5/2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt hơn TTCK Việt Nam và yêu cầu làm rõ nguyên nhân TTCK biến động mạnh. Chỉ đạo này xuất phát từ lo ngại khả năng TTCK diễn biến tiêu cực, ảnh hưởng đến nhà đầu tư và doanh nghiệp niêm yết.
Đánh giá về những biến động lớn của TTCK Việt Nam trong những tháng đầu năm 2018, ông Trịnh Thanh Cần cho rằng, thị trường đang đi vào chu kỳ điều chỉnh theo đúng quy luật dòng tiền.
- Thưa ông, TTCK Việt Nam những tháng gần đây biến động mạnh, có phiên tăng mạnh nhưng cũng có phiên giảm sâu, biến động vốn hóa thị trường lên đến cả tỷ USD. Liệu có “bàn tay” nào thao túng thị trường trong những phiên như vậy?
Tôi cho rằng khả năng thao túng thị trường hay làm giá cổ phiếu trong những phiên có giao dịch lớn vừa qua là thấp. Đó đơn giản chỉ là sự điều chỉnh cần thiết của thị trường vốn đã được đẩy lên khá cao trong thời gian khá ngắn.
TTCK Việt Nam có đặc điểm là ít có dòng tiền ổn định đổ vào thị trường mà chủ yếu là dòng tiền nóng. Các thị trường lớn trên thế giới luôn có các định chế đầu tư lớn (như quỹ tương hỗ, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí) đều đặn đổ tiền vào thị trường. Tại Việt Nam, ngoài một số ít các quỹ đầu tư giao dịch thường xuyên (như VOF của Vina Capital hay VEIL của Dragon Capital) và chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với quy mô thị trường, các dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán chủ yếu là ngắn hạn, từ các quỹ cơ hội (hedge fund), quỹ mở ETF, và các nhà đầu tư trong nước. Khi thị trường có xu hướng tăng mạnh, các dòng tiền nóng này sẽ được kích hoạt, đẩy thị trường lên rất nhanh, và khi thị trường tăng cao, các dòng tiền này cũng được rút ra rất nhanh.
Một chu kỳ bình thường của TTCK Việt Nam bắt đầu khi thị trường có dấu hiệu tăng điểm, các quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu mua ròng để tích lũy. Các nhà đầu tư lớn và khối tự doanh mua theo, cuối cùng đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thị trường trong những tháng đầu năm 2018 đã có sự tăng trưởng nhất định, tiếp theo sự thăng hoa bất ngờ của năm 2017. Quá trình tăng điểm này phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế. Kể từ tháng 3/2018, thị trường bắt đầu xu hướng giảm điểm vì các nhà đầu tư lớn thấy xu hướng tăng điểm tiếp tục là khó xảy ra nên rút vốn dần ra khỏi thị trường. Đó là một sự điều chỉnh bình thường theo quy luật của dòng tiền.
Có thể bạn quan tâm |
- Với quy mô và cơ cấu thị trường như hiện nay, các nhà đầu tư lớn có khả năng tác động đến sự tăng/ giảm chung của thị trường không?
Thị trường đang có nhiều bộ chỉ số thể hiện chỉ số giá của những doanh nghiệp hàng đầu. Chẳng hạn sàn giao dịch TP.HCM (HOSE) có bộ chỉ số VN30. Do tỷ trọng đóng góp vào VN-index của những cổ phiếu trong VN30 lớn, nên biến động nhỏ của các cổ phiếu này cũng có tác động đáng kể lên chỉ số chung.
Hiện nay, các cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (VIC – Vingroup, VRE – Vincom Retail và VHM – Vinhome) đang chiếm trên 20% tỷ trọng HOSE. Biến động giá của các cổ phiếu này sẽ tác động nhất định đến chỉ số VN-index. Về dài hạn, chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết các tập đoàn lớn như Lọc Hóa Dầu Bình Sơn, PV Power, PV Oil, Tập đoàn Cao su, Mobifone… để cân bằng tỷ trọng này.
- Các giao dịch lớn có giá trị hàng tỷ USD vừa qua có ý nghĩa gì, thưa ông?
Từ đầu năm đến nay có nhiều phiên thị trường giảm điểm mạnh, mất hàng tỷ USD mỗi phiên. Chẳng hạn như phiên ngày 5/2/2018, VN-index giảm 5,1%, vốn hoá thị trường bị thổi bay hơn 189.000 tỷ đồng, tương đương hơn 8,3 tỷ USD. Phiên sáng ngày 23/3/2018 lấy đi hơn 5 tỷ USD tính trên cả hai sàn HOSE và HNX.
Gần đây nhất là phiên giảm điểm ngày 19/4/2018 đã khiến hơn 130.000 tỷ đồng (xấp xỉ 6 tỷ USD) vốn hóa thị trường bị thổi bay. Đây là kết quả điều chỉnh khi thị trường bị đẩy lên khá cao sau thời gian dài tăng giá, nhất là phiên vượt mốc hơn 1.200 điểm của VN-index ngày 9/4. Nhà đầu tư bán ra ồ ạt vì sợ giá sẽ giảm tiếp.
TTCK thật ra không chỉ biến động theo sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, mà còn bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố kinh tế thế giới như giá dầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đặc biệt, việc FED (ngân hàng liên bang Mỹ) quyết định tăng lãi suất trong tháng 3/2018 cũng khiến dòng tiền bị rút ra khỏi Việt Nam nói riêng và các thị trường mới nổi nói chung khá lớn, vì kỳ vọng lợi nhuận từ thị trường Mỹ tăng lên.
- Theo ông, thị trường sẽ biến động như thế nào từ nay đến cuối năm?
Sự tăng/ giảm của thị trường phụ thuộc vào diễn biến kinh tế chính trị trên thế giới và sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tôi lạc quan về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm nay nhưng không có cơ sở vững chắc để đánh giá tình hình thế giới. Trong ngắn hạn tôi nghĩ VN-index có thể tiếp tục điều chỉnh về mức 900 và hồi phục tăng trưởng lại vào cuối quý 3 và quý 4/2018 với khả năng phá đỉnh cũ đã tạo lập trong năm 2018.
Xin cám ơn ông!