Sức mạnh mềm của Mỹ ở Philippines đã giảm mạnh từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump. Nhưng Trung Quốc cũng chẳng thể “ngủ yên” khi các “giá trị Mỹ” vẫn phổ biến ở châu Á – Thái Bình Dương.
Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines vừa qua theo lời mời của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được giới chuyên gia quốc tế ví như “cầu vồng sau mưa”.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Philippines trong vòng 13 năm qua, và được xem là một mốc quan trọng trong quan hệ song phương, vốn được khôi phục sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền.
Có thể bạn quan tâm
04:32, 23/11/2018
12:24, 30/10/2016
14:22, 09/11/2018
Đã có 29 thỏa thuận hợp tác trị giá 180 tỷ USD được ký kết nhân chuyến thăm này chắc chắn là con số mà Tổng thống Duterte rất hài lòng. Bên cạnh đó, hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ lên “hợp tác chiến lược toàn diện”.
Trên thực tế, thương mại Philippines-Trung Quốc cũng cải thiện ở mức tương đối, tăng từ 699,48 triệu USD lên 939,98 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018, tăng 34%. Trung Quốc chiếm tới 15,3% thị trường xuất khẩu và là đối tác lớn nhất của Philippines.
Trung Quốc đã tăng cường đáng kể đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản và cờ bạc trên mạng ở Philippines. Theo đó, Phillippines đã cấp phép cho hơn 50 công ty cờ bạc nước ngoài khai thác và phục vụ khách hàng Trung Quốc. Ngoài ra, việc áp dụng chính sách nới lỏng thị thực, đã giúp gia tăng dòng người Trung Quốc đổ vào Philippines.
Để có được “sự thân thiện” từ Trung Quốc như nói ở trên, vào đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Rodrigo Duterte đã xoay trục mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Philippines, cụ thể ông Duterte đã cho dừng tất cả những chính sách của người tiền nhiệm Benigno Aquino, “đặt sang một bên” phán quyết của tòa trọng tài chống lại Trung Quốc ở Biển Đông để theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh. Không giống như bất kỳ nhà lãnh đạo Philippines nào trong quá khứ, ông Duterte đã tung hô Trung Quốc hết lời, công khai thể hiện tình cảm quý mến của mình đối với ông Tập Cận Bình, mô tả họ như là người bảo vệ của Philippines.
Bên cạnh đó, ông Duterte đã gây hiềm khích với các đồng minh kinh tế và chính trị truyền thống như Mỹ (dưới thời Tổng thống Barack Obama khi đó) và sau là đến Liên minh châu Âu (do liên minh này kêu gọi tôn trọng nhân quyền giữa lúc Chính phủ Philippines tiến hành chiến dịch chống lại nạn buôn bán ma túy).
Mới đây, ông Duterte còn bắt đầu các cuộc thảo luận về khả năng thăm dò chung các nguồn tài nguyên trên biển Tây Philippines, cách Manila gọi vùng Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền. Ông Duterte tuyên bố rằng tất cả những điều này là một phần của nỗ lực xây dựng một chính sách đối ngoại “độc lập” hơn cho nước này.
Tuy nhiên, dường như người ta vẫn nhận thấy rõ một điều: Tổng thống Duterte không phải đại diện tiếng nói của toàn bộ người dân Philippines và đằng sau những lời khoa trương của ông, nhiều trung tâm quyền lực khác cũng đang tranh luận, thay đổi và chống lại chính sách thân Trung Quốc.
Thậm chí, giới chuyên gia quốc tế cho rằng ông đã “quá nhún nhường” Trung Quốc để chạy theo những cam kết viển vông, không thực. Một cuộc thăm dò dư luận của tổ chức Social Weather Stations mới công bố cho thấy người dân Philippines vẫn rất tin tưởng vào Mỹ, trong khi không mấy thiện cảm với Trung Quốc.
Đặc biệt, giới quốc phòng Philippines đã xoay sở để bảo vệ những nền tảng hợp tác quân sự toàn diện với Washington, trong khi vẫn tiếp tục giám sát và phản đối sự hiện diện đang gia tăng của Trung Quốc trên khắp vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Có thể nói, xu hướng “gần Trung, xa Mỹ” của Tổng thống Philippines Duterte đang “thách thức” Mỹ, cũng như chính phần đông người dân nước này, trong đó có vấn đề an ninh quốc gia của Philippines, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục các động thái rất hung hăng nhằm chiếm giữ phần lớn Biển Đông. Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng chẳng thể “ngủ yên” khi các “giá trị Mỹ” vẫn phổ biến ở châu Á – Thái Bình Dương.