Đến thời điểm này, có 331 hộ dân ở khu 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Q.2, TP HCM, được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm.
Theo chỉ đạo của UBND TP HCM từ sáng nay 19/7, UBND Quận 2 đã thành lập 3 tổ công tác cùng lúc tiếp xúc với từng hộ dân trong tổng số 331 hộ dân ở khu 4,3 ha thuộc khu phố 1, P.Bình An, quận 2, TP HCM được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đồng thời phổ biến phương án dự kiến tái đền bù.
Phương án dự kiến tái đền bù sau khi cơ bản đạt được sự đồng thuận, được thành phố thông qua, sẽ sớm thực hiện trong thời gian tới.
Theo thông tin, thời gian tiếp xúc của 3 tổ công tác dự kiến trong 4 ngày, cùng lúc diễn ra tại 3 địa điểm: UBND P.Bình An, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2 và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Q.2.
Liên quan tới quá trình triển khai quy hoạch xây dựng Thủ Thiêm, theo Thanh tra Chính phủ, TP HCM điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, nhất là việc tăng 4,3 ha thuộc KP.1, P.Bình An, quận 2, không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt trước đó. Việc điều chỉnh này có ảnh hưởng đến quyền lợi nhà, đất 331 hộ dân.
Theo Thông báo kết luận số 1483 kiểm tra về "ranh quy hoạch Thủ Thiêm" vào tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ khẳng định khiếu nại của người dân Thủ Thiêm ở khu 4,3 ha là có cơ sở.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM công bố dự kiến các chính sách đối với 321 hộ dân trước đây ở khu vực 4,3 ha ngoài ranh Thủ Thiêm, thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại thông báo kết luận 1483.
Theo đó, đối với phần diện tích đất đã được quy hoạch cho giao thông toàn Thủ Thiêm đi qua khu vực 4,3 ha, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất giữ nguyên quy hoạch để phục vụ lợi ích chung. Phần diện tích đất còn lại trong khu 4,3 ha được quy hoạch dành cho dịch vụ, thương mại và xây dựng chung cư (được sử dụng cho tái định cư). Việc tái định cư cho các hộ dân được thực hiện theo quy hoạch của khu 4,3 ha và nhu cầu thực tế của các hộ dân này…
Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất giao Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM đề xuất chính sách đền bù thiệt hại về tinh thần và vật chất cho các hộ dân, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và theo hướng có lợi nhất cho người dân. Và dự kiến kinh phí tái đền bù cho các hộ dân ngoài ranh Thủ Thiêm ở khu 4,3 ha từ khoảng trên 2.000 - 3.000 tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm
16:30, 12/07/2019
13:42, 08/07/2019
05:00, 01/07/2019
00:00, 28/06/2019
Trao đổi tiếp xúc với người đan Thủ Thiêm, Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, chia sẻ: bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đang là bài toán rất khó và sẽ còn khó hơn khi thực hiện dự án.
Cũng theo ông Hoan, một trong những nguyên nhân là đơn giá bồi thường của Nhà nước không sát với thị trường và có sự chênh lệch với giá bồi thường dự án của tư nhân nên có sự so bì.
"Việc bồi thường khó khăn, người dân khiếu kiện nhiều. Khi phương án bồi thường được duyệt, đến lúc triển khai chậm trễ, lại đội vốn bồi thường, dự án phải bị dừng. Không thực hiện được dự án thì quy hoạch treo, dân lại khiếu kiện. Đây là một vòng luẩn quẩn từ khâu cơ bản nhất là giá bồi thường" - ông Hoan phân tích.
Theo ông Hoan, một bất cập là khi tính toán đơn giá bồi thường, các cơ quan chức năng chỉ tập trung vào mỗi giá đất mà chưa quan tâm những thiệt hại khác người dân phải chịu khi di dời chỗ ở. "Người dân rời khỏi nhà cửa, cần ít nhất 5-10 năm để ổn định cuộc sống. Giờ chúng ta không quan tâm chuyện đó, chỉ tính giá bồi thường đất, cứ nghĩ cao là được. Nhưng đó chỉ thuần túy là giá đất, còn thu nhập, việc làm, học nghề của người dân phải có lại chưa tính đủ, tính đúng. Phải chăng ngoài bồi thường đất, còn phải tính thiệt thòi của người dân khi di chuyển đến nơi khác để hỗ trợ", ông Hoan nói.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng công tác tái định cư cũng còn nhiều bất cập. Đơn cử chính quyền vừa bồi thường cho người dân để lấy đất làm dự án, vừa phải bồi thường người dân nơi khác để lấy đất làm tái định cư, đối diện nhiều khiếu kiện.
Kế tiếp, chất lượng nhà tái định cư chưa đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Trong khi đó, tâm lý của người dân vốn thích ở nhà riêng.
Ông Hoan cho rằng, nếu giải quyết được vấn đề căn cơ là đơn giá bồi thường, hỗ trợ người dân có thể tự mua đất, mua nhà đúng nhu cầu. Khi đó, TP.HCM cũng không cần làm nhiều nhà tái định cư nữa.
Vì vậy, ông Hoan kiến nghị giải pháp xây dựng giá bồi thường giải phóng mặt bằng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung phương án hỗ trợ tính đúng, tính đủ thiệt hại khi người dân phải di dời đến nơi ở mới theo đầu người mỗi năm.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh khung giá bồi thường hoặc cho TP.HCM nói riêng và những đô thị lớn nói chung hệ số điều chỉnh đặc thù phù hợp.
"Khung giá áp dụng chung cho các tỉnh mà áp lên TP.HCM là không phù hợp. Thị trường biến động hàng ngày chứ không phải hàng năm. Khi có chính sách đặc thù, hệ số quy đổi riêng thì mới làm được bảng giá bồi thường khu vực" - ông Hoan nói.