TP HCM: Nghịch lý giải ngân vốn đầu tư khiến dự án Metro bị chậm trễ

M.Lê 20/06/2018 11:22

Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP HCM liên tục rơi vào tình trạng thiếu tiền thanh toán cho các nhà thầu, dù đã được các nhà tài trợ cam kết bố trí đủ vốn ODA...

Ghi nhận tại thời điểm hiện nay, gói thầu số 2 dự án tuyến metro số 1 dường như đang "bất động" ở tình trạng thi công dang dở. 

Có thể bạn quan tâm

  • Xin cơ chế, các dự án metro có về đích?

    14:00, 19/06/2018

  • TP HCM muốn “tự chủ” tuyến metro để “về đích” sớm

    13:00, 15/06/2018

  • 2 dự án Metro tại TP HCM được điều chỉnh tổng vốn đầu tư?

    03:05, 04/05/2018

  • Metro đổi tên nhưng chưa...đổi vận

    07:29, 01/05/2018

Đây là dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư (tháng 8/2011) từ 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu yen Nhật) lên hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu yen), và là dự án thuộc diện phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ thời điểm ấy đã cho phép UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.

Công trình trọng điểm đang đình trệ dang dở vì thiếu tiền thanh toán

Công trình trọng điểm đang đình trệ dang dở vì thiếu tiền thanh toán

Được biết, UBND TP HCM vừa đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) sớm có văn bản gửi nhà tài trợ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Đại sứ quán Nhật Bản đề xuất gia hạn hiệu lực khoản vay đến ngày 31/10/2019 để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án này.

Theo Hiệp định vay vốn số VN11-P7 ngày 30/3/2012, tổng giá trị khoản vay là 44.302 triệu yen. Việc TP HCM xin gia hạn là bởi Chính phủ đang triển khai các thủ tục thông qua cấp thẩm quyền về điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro số 1 nên Bộ KHĐT chưa thể phân bổ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương, dẫn đến chậm giải ngân so với tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ. Đến thời điểm hiện nay, số vốn chưa giải ngân của Hiệp định vay là 8.766 triệu yen, chiếm 20%, còn khá lớn trong khi Hiệp định vay sẽ hết hạn vào ngày 31/10/2018.

UBND TP HCM cho hay, việc giải ngân các khoản vay không những tùy thuộc vào tiến độ Quốc hội xem xét, cho phép chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư mà còn liên quan đến trình tự thủ tục xem xét bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho dự án. Việc giải ngân hết số vốn còn lại của Hiệp định vay số VN11-P7 trước ngày khóa sổ khoản vay là rất khó để thực hiện. Do vậy, rất cần phải đề nghị gia hạn hiệp định vay thêm 1 năm nhằm đảm bảo đủ thời gian giải ngân toàn bộ khoản vay sau khi Quốc hội chấp thuận tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM Lê Nguyễn Minh Quang cũng cho biết JICA đã bày tỏ quan ngại về tình hình dự án metro Bến Thành - Suối Tiên với lãnh đạo TP HCM cũng như Chính phủ Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến quan ngại của JICA khi bố trí vốn cho các dự án khác.

Trước đó, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM đã có kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận chủ trương tạm ứng 1.000 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), sau khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư hồi cuối năm 2017 ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, song dự án metro số 1 vẫn không được bố trí vốn.

Năm 2017, cũng vì trung ương không bố trí vốn, hoặc bố trí vốn không đủ, TP HCM đã phải ứng lần lượt 500 tỷ đồng và gần 1.200 tỷ đồng để chủ đầu tư trả nợ. Số tiền tạm ứng để thanh toán cho các nhà thầu trong năm 2016 TP HCM là 600 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM: Nghịch lý giải ngân vốn đầu tư khiến dự án Metro bị chậm trễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO