Trái phiếu ngân hàng có hấp dẫn nhà đầu tư?

Diendandoanhnghiep.vn Mới đây, BIDV và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác đã công khai mức lãi suất trái phiếu để huy động vốn. Vậy mức lãi suất trái phiếu này có hấp dẫn được nhà đầu tư?

Trái phiếu ngân hàng liệu có hấp dẫn nhà đầu tư?

Lãi suất trái phiếu ngân hàng liệu có hấp dẫn nhà đầu tư?

BIDV vừa triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu (300.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 100.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mỗi trái phiếu có giá trị 10 triệu đồng) từ ngày 12/11 đến ngày 11/12/2018. Theo đó, lãi suất với mỗi kỳ hạn lần lượt sẽ được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 0,8% và 1%/năm.

Lãi suất tham chiếu được tính bằng mức bình quân kỳ hạn 12 tháng của bốn ngân hàng thương mại lớn (Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV) và hiện đang ở mức 6,8%/năm. Theo đó, lãi suất trái phiếu BIDV sẽ vào khoảng 7,6-7,8%/năm.

Mức lãi suất này của BIDV cao hơn mức 7,5%/năm đối với trái phiếu kỳ hạn 6 năm của Vietcombank nhưng thấp hơn so với mức 8,4-8,5%/năm đối với trái phiếu có kỳ hạn 5 và 10 năm của Ngân hàng Quân đội (MB) vừa mới phát hành vào cuối tháng 10/2018.

Theo các chuyên gia, trong khi việc tăng vốn cấp 1 không còn quá dễ dàng thì việc lựa chọn tăng vốn bằng trái phiếu đã trở thành lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời gian gần đây.

Mới đây nhất, Vietcombank  đã phát hành thành công 288,3 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ ra công chúng từ ngày 31/10 – 16/11. Trái phiếu có kỳ hạn 6 năm và lãi suất huy động 7,475%/năm.

Đầu tháng 11, VietinBank đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 15 năm để tăng vốn cấp 2 đợt 4/2018. Cách đây không lâu VietinBank cũng cho biết đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong đợt 2/2018, lãi suất cố định 6%/năm.

ACB cũng thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong năm tài chính 2018. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp và không được đảm bảo bằng trái phiếu Chính phủ thuộc sở hữu của ACB. Số vốn huy động được nhằm tăng quy mô vốn phục vụ nhu cầu cấp tín dụng trung dài hạn của ngân hàng này.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc các tổ chức tín dụng đua nhau phát hành trái phiếu để huy động vốn cho thấy vốn huy động từ trái phiếu sẽ là vốn cấp 2 nếu trái phiếu đó có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu của nhà phát hành trong tương lai. Những trường hợp còn lại, vốn từ trái phiếu được xem là một hình thức huy động vốn của ngân hàng.

Thông thường, vốn huy động từ trái phiếu là dài hạn, do đó sẽ làm tăng tỷ trọng vốn dài hạn của ngân hàng, không ảnh hưởng đến tỷ lệ vốn ngắn hạn trên cho vay trung và dài hạn (tỷ lệ này sẽ phải giảm xuống 40% vào đầu năm 2019). Đồng thời, đây cũng là một cấu phần giúp tăng vốn, tăng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng, giúp hỗ trợ việc áp dụng Basel II trong tương lai.

Cũng theo quy định tại Thông tư số 19/2017-NHNN, các nguồn vốn trái phiếu được coi là vốn tự có cấp 2 khi và chỉ khi được phát hành cho các nhà đầu tư không phải là các TCTD. Nếu một TCTD mua trái phiếu của một TCTD khác phát hành thì ngay lập tức sẽ bị trừ vào vốn tự có của chính mình. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, có lẽ sẽ chẳng có ngân hàng nào thừa vốn tự có để đi đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm của một TCTD khác.

Với góc nhìn nhà đầu tư, ông Hoàng Trung Thành- Nhà đầu tư trên sàn VPBS chia sẻ: "Với kỳ hạn trái phiếu rất dài, từ 5-10 năm, nhìn chung các ngân hàng sẽ rất khó tìm được các nhà đầu tư, do đây đều là các khoản trái phiếu không được bảo lãnh và cũng không có tài sản đảm bảo, trong khi lãi suất cũng không thực sự hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác hiện nay.

Mặc dù ngân hàng là định chế tài chính lớn nhưng do kỳ hạn trái phiếu rất dài nên rủi ro tiềm ẩn, khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với trái phiếu ngân hàng. Việc MB và Vietcombank chỉ huy động được lần lượt 1.387 tỷ đồng và 329 tỷ đồng trong đợt phát hành vừa qua cho thấy BIDV khó có thể hoàn thành được mục tiêu của mình trong đợt phát hành này.

Theo ông Thành, không riêng gì trái phiếu ngân hàng mà ngay cả trái phiếu doanh nghiệp khi phát hành khó thu hút được nhà đầu tư không phải do lãi suất thấp mà là do tính thanh khoản của công cụ này hiện đang rất thấp.

Do vậy, các nhà tạo lập thị trường cùng với các TCTD cần làm sao để xây dựng trái phiếu có cấu trúc đủ hấp dẫn về mặt lợi tức, đồng thời có tính linh hoạt cao. Hấp dẫn về lợi tức là khi lợi suất trái phiếu luôn cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng cùng kỳ hạn. Linh hoạt là nhà đầu tư có thể bán ra bất kỳ lúc nào nhưng vẫn đảm bảo thu được một phần lợi tức, thay vì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn như các khoản tiền gửi tiết kiệm...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Trái phiếu ngân hàng có hấp dẫn nhà đầu tư? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713505635 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713505635 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10