Năm 2020 Khởi nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một cầu nối hữu hiệu cho những ý tưởng khởi nghiệp thành hình và phát triển mạnh mẽ, hiệu quả tại Việt Nam.
Tôi biết Trần Hiếu trên Facebook cách đây vài năm, khi anh sáng lập ra nhóm khởi nghiệp Việt Nam trên mạng xã hội lớn nhất trên thế giới, và cũng phổ biến nhất tại Việt Nam. Lúc đó, ước muốn của Trần Hiếu là tạo ra một 'sân chơi' để tập hợp những người khởi sự doanh nghiệp (start-up) tại Việt Nam, kết nối họ, cung cấp cho họ những thông tin mới nhất, cập nhật nhất về start-up.
“Có tới 5 mô hình khởi nghiệp hiện nay trên thế giới. Đó là khởi nghiệp xuất phát từ sở thích, đam mê; Khởi nghiệp kinh doanh nhỏ hay doanh nghiệp hộ gia đình; Khởi nghiệp theo hướng chuyển nhượng, ‘nuôi để bán’; Khởi nghiệp theo hướng xã hội, phi lợi nhuận, phi thương mại và cuối cùng là Khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng, tham vọng lớn (khởi nghiệp công nghệ). Có thể nói nhóm Khởi nghiệp Việt Nam của em bắt đầu bằng chính sự đam mê, sở thích của cá nhân”, Trần Hiếu nói.
Từ ý tưởng ban đầu thành lập nhóm facebook Khởi nghiệp Việt Nam cách đây vài năm như một sân chơi, điểm hẹn của những người muốn khởi sự doanh nghiệp ở Việt Nam, đến nay những ‘nhóm nhỏ’ thành viên hoạt động cùng trong một lĩnh vực, có cùng sở thích và qui mô hoạt động đã xích lại gần nhau, lập thành những nhóm mà Hiếu và các cộng sự gọi là các nhóm VIP. “Hiện bọn em đã thành lập được nhóm VIP 1, gồm 60 thành viên thuộc các ngành nghề gần gũi với nhau. Đó cũng là các anh em cùng lý tưởng, cùng sở thích và thậm chí cùng kích cỡ để có thể “chơi được với nhau”, Trần Hiếu nói.
Nhóm VIP nói gọi lại là một hệ sinh thái thu nhỏ, nơi mà các thành viên trong nhóm có thể hỗ trợ lẫn nhau, đầu vào của người này có thể là đầu ra của người kia và đặc biệt là “không cạnh tranh lẫn nhau”. Mô hình này phần nào đó giống với mô hình kiểu phường hội ở Trung Quốc, tuy qui mô không lớn nhưng lại có liên kết dọc rất mạnh và chủ yếu giúp đỡ, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh, lấy khách, chống phá lẫn nhau. “Có vậy thì anh em mới cùng nhau đi xa được, mới phát triển bền vững được”, Hiếu nói.
Từ những kết nối ảo trên mạng xã hội facebook, qua vài năm đào thải, phát triển và kết nối, các thành viên của những nhóm khởi nghiệp “thực” đã ra đời và có những hoạt động cụ thể giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Với sứ mệnh tạo độ kết nối vững chắc, giúp đỡ nhau cùng phát triển, các thành viên trong nhóm VIP mỗi tháng gặp nhau ít nhất 1 lần để tạo tương tác trực tiếp, tìm hiểu sản phẩm của nhau, tìm kiếm hợp tác và hỗ trợ nhau phát triển sản phẩm, phát triển thị trường. “Những cộng đồng VIP này có thể coi như các nhóm thủ lĩnh tinh thần, đầu tiên xuất hiện tại miền Bắc, dự kiến năm 2020 sẽ xuất hiện ở miền Nam. Rồi từ đó nhân ra, phát triển tiếp”, Hiếu cho biết.
Nói về phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam, Trần Hiếu cho biết: “Tuy ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều nhóm hội hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp, nhưng các nhóm có thể “chơi được với nhau” lại chưa có nhiều”. Chính vì vậy, các nhóm VIP mà Hiếu cùng các cộng sự lập ra, xây dựng lên có hy vọng phát triển bền chặt với nhau.
Vẫn theo Trần Hiếu, ở Việt Nam hiện nay cũng có các đội, nhóm hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau, các mô hình liên kết này phù hợp với các doanh nghiệp đã hoạt động khoảng được 3-5 năm, nhưng vẫn đang loay hoay trên con đường tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm phương thức phát triển và tìm kiếm thị trường.
Trong khi, những người tìm đến với các nhóm khởi nghiệp của Trần Hiếu lại thực sự là các ông chủ nhỏ, họ không chỉ mới (hoặc đang có ý tưởng) khởi nghiệp, mà thực sự nhỏ; có ít tiền và thậm chí chưa có nhiều kiến thức về làm ăn, kết nối, thị trường… “Nhiều người trong số họ là chủ các xưởng nhỏ. Họ có thói quen tiếp khách tại xưởng, đôi khi cũng chỉ ăn mặt tềnh toàng, chứ đâu có lúc nào cũng mặc complet, đeo caravat như các doanh nhân ở thành thị”, Trần Hiếu nói.
Chính vì vậy, việc kết nối những người như vậy lúc đầu tưởng dễ, hóa ra lại chả dễ dàng gì. Từ văn hóa cá nhân xuề xòa, dễ dãi đến văn hóa hội nhóm có tổ chức, có chí hướng hoạt động là một câu chuyện khá dài. Nhưng họ lại là những người khát khao được kết nối, có thể chính từ nhu cầu nội tại trong họ. Chính vì vậy, việc họ gặp gỡ được với nhau, ngồi được với nhau không chỉ ở chỗ gắn kết được quyền lợi, mà còn cả ở trách nhiệm với nhau.
Tại sao khởi đầu từ mối quan hệ “ảo” trên facebook, giờ mọi người trong các nhóm ngành nghề, nhóm VIP hay trong các “hệ sinh thái mini” lại có thể chơi với nhau một cách “bền chặt”? Theo Trần Hiếu, “sứ mệnh của facebook mà kết nối con người. Nhưng để gắn kết chặt chẽ với nhau, mọi người cần có tinh thần “cho đi một cách cởi mở”. Nghĩa là các thành viên trong đó cần giúp đỡ nhau và cần được giúp đỡ (sharing). Lúc đó sẽ là các tương tác thật, các hành động thực tế như mua hàng của nhau, giúp đỡ nhau tìm khách hàng, mở rộng thị trường, giúp nhau có các kết nối thực”.
Mong muốn của Trần Hiếu là các nhóm thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp mini này sau này sẽ tự vận động, tự phát triển, tự nhân rộng không giới hạn bởi mô hình các nhóm này là không có sở hữu. Các thành viên trong nhóm hoạt động theo các tương tác thực, có lợi lẫn nhau và cùng nhau phát triển bền vững. “Tất nhiên những điều này còn phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, tâm tính của con người ở mỗi vùng, mỗi địa phương khác nhau. Tuy nhiên nếu các nhóm hoạt động theo mô hình không mất chi phí quá nhiều, không đụng chạm về mặt quyền lợi, có hỗ trợ và tương tác ngày càng lớn với nhau thì chắc chắn chơi được lâu dài với nhau”, Trần Hiếu nói.
Mục tiêu trước mắt của Trần Hiếu và các cộng sự trong nhóm Khởi nghiệp Việt Nam cũng không quá tham vọng. Trong khi lượng thành viên trong nhóm facebook luôn duy trì ở con số cỡ 50.000 thành viên hoạt động tích cực (active) thì Trần Hiếu đang nghĩ tới việc lập ra cỡ 5-6 hệ sinh thái khởi nghiệp mini đễ hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam.
Dẫn ví dụ từ quán cà phê “Khởi Việt”, Hiếu nhấn mạnh rằng nếu mục đích thành lập sân chơi “ảo” trên facbook đã hoàn thành, thì giai đoạn 2 của Hiếu và các cộng sự là lập ra các địa điểm thực, vẫn phục vụ cho sân chơi khởi nghiệp. Quán cà phê không chỉ là nơi anh em trong cộng đồng có thể gặp nhau, chia sẻ các ý tưởng làm ăn, phát triển thị trường, mà còn là nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệp thông qua các buổi học, tập huấn, hội thảo về khởi nghiệp, về thị trường…
Tuy không tham gia nhiều vào các hoạt động khởi nghiệp công nghệ, nhưng Trần Hiếu cho biết vẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp loại này. “Bên em cũng có các chương trình gọi vốn cho các startup công nghệ. Đến nay cũng có 3 startup gọi được vốn thông qua các nhà đầu tư”, Hiếu nói.
Mong muốn của Trần Hiếu và các cộng sự thời gian trước mắt là rất cụ thể và thiết thực, chúc những mong muốn này của các bạn sớm trở thành hiện thực trong năm 2020 và Khởi nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một cầu nối hữu hiệu cho những ý tưởng khởi nghiệp thành hình và phát triển mạnh mẽ, hiệu quả tại Việt Nam.