Việc Vingroup mua lại Fivimart cho thấy Tập đoàn sẵn sàng tâm thế mới để “chiến đấu” sòng phẳng với với các doanh nghiệp, Tập đoàn nước ngoài đang cố gắng “tấn công” thị trường bán lẻ nội địa.
Mới đây, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup vừa hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty cổ phần Nhất Nam. Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart.
Có thể bạn quan tâm
02:33, 09/10/2018
11:35, 08/10/2018
06:30, 28/09/2018
Đây là một trong những đơn vị bán lẻ đã có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, sở hữu điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương. Việc Fivimart về tay một Tập đoàn lớn trong nước như Vingroup có thể coi là cơ hội để hàng Việt chắc chân hơn trong siêu thị cũng như giành lại thị phần trên thị trường bán lẻ.
Quả thật, thời gian qua Vingroup đã khiến thị trường bán lẻ phải ngạc nhiên bởi tốc độ gia tăng các điểm bán hàng quá nhanh của mình. Tính đến ngày 3/1/2018, Vingroup có tới 65 siêu thị Vinmart và 1.000 cửa hàng Vinmart+ trên cả nước.
Thị trường bán lẻ Việt Nam những năm qua vẫn được xem là “miếng bánh” ngon đối với các Tập đoàn bán lẻ ngoại. Theo kết quả khảo sát thường niên về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước có sức hút trở lại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Một con số thông kê khác đó là, theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số trên thực tế có thể cao hơn.
Minh chứng cho điều đó, nhiều “ông lớn” nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Riêng chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam, và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020.
Một hãng bán lẻ đình đám khác từ Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã “đổ bộ” vào Việt Nam tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới.
Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu “tấn công” thị trường Việt, với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới.
Đáng chú ý, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam, khởi đầu cho sự gia nhập thị trường bằng chương trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa..v..v.
Trở lại với trường hợp Vingroup lấn sân và “phủ sóng” thị trường bán lẻ nội địa, việc này khiến cho người viết nhớ cách đây hơn chục năm, có 4 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam gồm: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã bắt tay thành lập Công ty CP Đầu tư Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA). Tuy nhiên, không được bao lâu, liên doanh này đã tan rã.
Một số nguyên nhân dẫn đến sự tan rã trên được các chuyên gia thị trường chỉ ra đó là:
Thứ nhất:Do liên kết kém nên mới xảy ra hiện tượng các siêu thị bị nước ngoài thôn tính và kể cả một số siêu thị bán lẻ trong nước có những giao dịch bất bình đẳng, ép chiết khấu nhà cung ứng. Hậu quả là chi phí và giá thành hàng nông sản Việt Nam bị đẩy lên cao một cách vô lý ở thị trường nội địa và người tiêu dùng phải chịu trận, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam nhanh và mạnh mẽ hơn.
Thứ hai: Do tiềm lực yếu, kinh nghiệm quản lý và nguồn nhân lực thiếu, nếu mở rộng quy mô hoạt động, rất dễ vượt ra khỏi tầm kiểm soát, nên các doanh nghiệp nội chỉ làm về thương mại đơn thuần. Thói quen làm ăn nhỏ lẻ, không có kế hoạch chiến lược phát triển dài hạn rõ ràng cũng là nhược điểm của các doanh nghiệp trong nước. Nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử.
Thứ ba:Doanh nghiệp trong nước đang loay hoay tìm lối đi, thì doanh nghiệp nước ngoài lại có định hướng rõ ràng là mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị phần.
Chính vì vậy, sự kiện Tập đoàn Vingroup hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty cổ phần Nhất Nam, ngoài việc cho thấy tiềm lực riêng của cá nhân Tập đoàn, thì đó còn là sự tự tin nhất định, một tâm thế mới để “chiến đấu” sòng phẳng với với các doanh nghiệp, Tập đoàn nước ngoài đang cố gắng “tấn công” thị trường bán lẻ nội địa.
Sâu xa hơn, chính Vingroup đang minh chứng cho cái gọi là “lòng tự tôn dân tộc” của người Việt Nam.