Hiện có khoảng hơn 1 triệu chiếc xe điện lăn bánh trên khắp thế giới và Trung Quốc là thị trường tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong lĩnh vực này.
Trung Quốc đang dẫn đầu trong cuộc đua giành ngôi vị trong thị trường xe điện (EV) toàn cầu. Chỉ tính riêng trong năm 2018, người tiêu dùng tại quốc gia này đã mua hơn 1 triệu xe điện, con số này gấp ba lần so với năm 2015.
Trung Quốc – thị trường béo bở của xe điện
Tham vọng của Bắc Kinh là thúc đẩy đà tăng trưởng, nhằm đưa Trung Quốc dẫn đầu lĩnh vực “phương tiện xanh” và sau này là “ôtô thông minh”. Ô nhiễm nghiêm trọng là một phần lý do, nhưng quan trọng hơn là chiến lược trở thành cường quốc công nghệ.
Tầm nhìn này được đưa ra trong chiến lược công nghiệp Made in China 2025 nhằm tạo ra cuộc cách mạng sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ thông minh.
Mục tiêu của Made in China 2025 là đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia mạnh về sản xuất, ưu tiên hàng đầu dành cho số hóa và hiện đại hóa 10 lĩnh vực cốt lõi, trong đó có phương tiện sử dụng năng lượng mới.
Trong năm 2019, dự kiến tốc độ tăng trưởng của thị trường EV Trung Quốc vẫn ổn định trong bối cảnh lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, thị trường xe hơi có dấu hiệu suy giảm và người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” khi căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng.
Cho đến nay, thị trường EV tại Bắc Kinh không có bất kỳ một dấu hiệu sụt giảm nào. Trong năm nay, doanh số bán EV của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên con số 1,6 triệu trên chặng đường chinh phục con số 5 triệu xe mỗi năm từ năm 2025.
Có thể bạn quan tâm
15:06, 24/04/2017
13:22, 15/01/2019
15:50, 25/12/2018
Thoạt nhìn, những mục tiêu này có vẻ viển vông, thậm chí là không thể thực hiện được. Trong nền kinh tế thị trường, doanh số bán xe điện có thể sẽ giảm dưới áp lực thị trường, thậm chí có thể giảm mạnh hơn các mẫu xe chạy bằng xăng thông thường do những lo ngại của người tiêu dùng về giá cả, cũng như mức độ tin cậy
Nhưng nền kinh tế Trung Quốc lại không phải là nền kinh tế thị trường tự do. Nhu cầu của Trung Quốc đối với xe điện chủ yếu tăng nhờ các chính sách mang tính chất chỉ đạo của chính phủ.
Chẳng hạn, Chính phủ yêu cầu đến năm 2020, tất cả các xe bus và taxi hoạt động ở thành phố Thâm Quyến sẽ phải chạy bằng các xe EV. Hay như tại Thượng Hải, người mua EV được miễn lệ phí giấy phép xe 12.000 USD theo quy định của thành phố.
Chính các chính sách này sẽ đảm bảo cho thị trường tiếp tục tăng trưởng. Các nhà sản xuất ô tô sẽ buộc phải đảm bảo rằng việc sản xuất dòng xe EV phải chiếm hơn 10% tổng số xe hàng năm của họ, nếu không, họ sẽ phải đối mặt với các khoản tiền phạt từ chính quyền.
Điều này sẽ buộc các nhà sản xuất phải tập trung vào phát triển EV, thay vì chỉ phát triển sản xuất các dòng xe truyền thống.
Mặt khác, các chính sách này của chính phủ Trung Quốc đã thu hút các nhà sản xuất ô tô trên thế giới hiện nay tập trung đầu tư vào sản xuất EV tại Trung Quốc, hoặc hợp tác với một nhà sản xuất EV tại địa phương.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Mạng lưới Quốc gia tại Trung Quốc - hệ thống mạng lưới điện lớn nhất thế giới cho biết, họ có kế hoạch xây 120 nghìn trạm sạc cho xe điện tính đến năm 2020.
Ông Christian Meunier - Phó chủ tịch marketing toàn cầu của Công ty Infiniti nhấn mạnh: “Khi người dân đã có sẵn hệ thống mạng lưới sạc tiện lợi, không có lý do gì để họ quay lại mua xe sử dụng động cơ đốt trong”.
Một lợi thế khác của hoàng hóa Trung Quốc nói chung, và EV nói riêng, đó chính là giá thành sản phẩm. Vì phần lớn xe điện được bán tại Trung Quốc đều do các công ty nội địa sản xuất nên họ có thể giữ chi phí thấp, giúp giá bán EV cạnh tranh với xe chạy bằng xăng.
Và cũng chính yếu tố này đã giúp ngành công nghiệp phụ trợ của EV cũng rất phát triển, chẳng hạn như Công ty Công nghệ Ampe, có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, đã vượt qua các công ty nổi tiếng trong ngành như Panasonic, LG Chem và Samsung SDI trở thành nhà sản xuất pin xe hơi lớn nhất thế giới.
Tính đến năm 2018, các thương hiệu EV của Trung Quốc chiếm 99% sản lượng nội địa và 98% doanh số xe điện trên thế giới, thể hiện một sự tương phản rõ rệt so với thị trường xe hơi truyền thống.
Và câu chuyện cạnh tranh
Các con số kinh doanh đều ấn tượng, nhưng hầu hết EV của Trung Quốc đều tập trung thị trường giá rẻ, vốn không phù hợp với kế hoạch mang tầm quốc gia như Chương trình Made in China 2025.
Thậm chí, các công ty sản xuất EV tại Trung Quốc được cho là vẫn đi sau định nghĩa “công nghệ” của thế giới vài năm.
Hầu hết mẫu EV của Trung Quốc có phạm vi hoạt động chưa đến 300 km, trong khi của mẫu EV Tesla của tỷ phú Elon Musk là 500 km. Pin Trung Quốc tương đối nặng và có kích thước lớn hơn mẫu quốc tế.
Vấn đề an toàn cũng gây lo ngại cho người sử dụng. Theo một thống kê, ít nhất 5 EV của Trung Quốc đã cháy chỉ riêng trong tháng 8 năm ngoái.
Cách nhanh nhất, truyền thống nhất và lý tưởng nhất để công ty Trung Quốc phát triển năng lực công nghệ là đưa chúng ra thế giới thông qua đầu tư, hoặc mua lại công ty nước ngoài.
Với Trung Quốc, công nghệ cốt lõi không dành để mua bán, trao đổi. Cách truyền thống là hợp tác với đối tác nước ngoài hoặc mở chi nhánh ở nước ngoài để dễ tiếp cận công nghệ.
Nhưng mọi chuyện không dễ như vậy, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đã liên tiếp đưa ra các cáo buộc rằng công ty Trung Quốc và người Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi với doanh số EV, khi chính sách trợ giá không còn hiệu lực. Không có trợ giá, giá xe EV sẽ tăng lên 21.600 USD, đắt hơn nhiều so với một chiếc xe chạy xăng.
Trong khi đó, chi phí sản xuất 14.400 USD/xe đồng nghĩa với với việc không thể giảm giá bán. Câu hỏi đặt ra là liệu công ty ôtô có thể duy trì doanh thu mà không cần giảm giá để thu hút người mua hay không. Nếu ngừng trợ giá, phần lớn công ty EV Trung Quốc khó tạo ra lợi nhuận.
Tesla đang có lợi thế hơn khi nắm cơ hội mở rộng thị trường. Hãng sản xuất xe điện của tỷ phú Elon Musk đang xây nhà máy ở Thượng Hải với công suất 500.000 xe mỗi năm. Nhờ đó, Tesla tăng gấp đôi quy mô sản xuất toàn cầu và giảm giá xe được bán tại Trung Quốc.
Trong cuộc đua này, các hãng Trung Quốc có thể tập trung vào xe điện thông minh, áp dụng công nghệ mới như hệ thống định vị GPS, trí tuệ nhân tạo hay các chức năng khác để điều hướng, thêm tính năng giải trí hay dịch vụ giá trị gia tăng.
He Kun, giám đốc điều hành hãng sản xuất EV có tên DialEV, nhận định. “Chúng có cách nhìn khác về xe điện hay xe thông minh. Các hãng cần nhanh chóng bắt kịp nhu cầu đó và sản xuất các mẫu phù hợp”.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Tại Việt Nam, xe đạp điện, xe máy điện cũng là những loại phương tiện giao thông khá phổ biến, thế nhưng phần nhiều trong xe điện tại Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, hoặc được các công ty tại Việt Nam mua linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp.
Cuối tháng 11 vừa qua, thương hiệu VinFast đến từ “ông lớn” VinGroup ra đời với rất nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng như xe máy điện VinFast Klara, xe ô tô VinFast với các lựa chọn từ SUV đến Sedan…
Mặc dù thời gian đầu, đa phần các linh kiện của VinFast đều là nhập khẩu, tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty, VinFast đã có kế hoạch tăng dần tỷ lệ nội địa hóa linh kiện sau khi hoạt động sản xuất được tiến hành qua một thời gian nhất định.
Hy vọng rằng trong một tương lai không xa, người Việt Nam sẽ có thói quen sử dụng loại phương tiện giao thông "xanh", thân thiện với môi trường thay cho các động cơ khí đốt truyền thống. Và cùng với đó, Việt Nam có thể tự hào về một thương hiệu EV của riêng mình