Kết luận Chương trình công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định: "Quảng Ninh đạt điểm số cao nhất 70,69 điểm nhưng vẫn còn "nợ" gần 30 điểm hài lòng của người dân và doanh nghiệp và các địa phương khác còn nhiều hơn".
TS Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định: Chúng ta cần phải xác định quyết tâm cải cách trong thời gian tới. Tuy vậy, Chủ tịch VCCI cũng khẳng định: "Chúng tôi cũng rất cảm ơn các địa phương dẫn đầu đã chia sẻ và mong rằng các địa phương sẽ tiếp tục cải cách. Cải cách thể chế Trung ương tiếp tục giữ vai trò mở đường"
Con số phải cắt giảm 30-50% thủ tục hành chính đã đặt ra thách thức rất lớn với cải cách thể chế ở cấp Trung ương. Nếu như 30% hay 50% thủ tục hành chính được cắt giảm trong hệ thống pháp luật và thể chế ở Trung ương sẽ tạo ra dư địa, biên độ cho sức sáng tạo của các địa phương, có lẽ cần phân cấp mạnh hơn, đặt niềm tin vào các địa phương, doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tiếp tục giải phóng thể chế, cải cách thể chế để tạo động lực mới cho công cuộc phát triển trong thời gian tới.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, thời gian tới, các bộ ngành Trung ương rất cần tập trung vào cải cách thể chế theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện kỳ được mục tiêu cắt giảm ít nhất 30-50% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong thời gian tới và giản hướng khác về thể chế chứ không chỉ riêng chỉ tiêu này.
VCCI đang có chương trình làm việc với hàng loạt Bộ Ngành. Sắp tới ngày 29/3, VCCI sẽ làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng cũng tham vọng cắt giảm 45% thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Thời gian qua, Bộ Y tế cắt giảm tới 90% thủ tục trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương cắt giảm 55% thủ tục trong thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành với công tác của Bộ Công Thương. Bộ ngành khác cũng cần có nhiều dư địa như vậy.
"Dư địa của địa phương và các cấp thể chế còn nhiều. Nếu giải phóng được thể chế trung ương sẽ tác động về cải cách thể chế sẽ theo cấp số nhân tới địa phương để họ có một niềm tin mạnh mẽ vào động lực cải cách thể chế trong thời gian tới để nền kinh tế Việt Nam có nhiều bứt phá. Và chúng ta cũng chia sẻ với nhau vấn đề quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực. Thời gian tới VCCI sẽ song hành cùng với các địa phương không chỉ riêng PCI mà còn nghi đến quản trị doanh nghiệp. Không phải chỉ ở chất lượng quản lý của chính quyền mà còn chất lượng quản trị của doanh nghiệp. VCCI sẽ tiếp tục nghĩ tới vấn đề này, việc đẩy mạnh cải cách ỏ chính quyền và nâng cấp quản trị doanh nghiệp.", TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, từ nay, với các nhà vô địch sẽ có trách nhiệm dẫn dắt cải cách ở các địa phương. Trong thời gian tới VCCI và Quảng Ninh phối hợp tổ chức một hội nghị toàn quốc chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất về điều hành kinh tế địa phương để các địa phương chia sẻ với nhau. Từ nay, nhà vô địch sẽ có vai trò định hướng, nâng cao mô hình cải cách ở địa phương, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng doanh nghiệp chứ không chỉ chất lượng môi trường kinh doanh.
"Với niềm tin và kế hoạch như vậy tôi mong các địa phương sẽ đồng hành cùng VCCI trong vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế ở Trung ương, cải cách PCI ở cấp địa phương, nâng cấp quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế thời gian tới.", Chủ tịch VCCI cho biết.
Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ mong muốn USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) - người bạn chung thủy với chúng tôi trong suốt 13 năm qua đã đóng góp vào công trình có vai trò quan trọng bậc nhất trong cải cách kinh tế của Việt Nam - sẽ tiếp tục sát cánh với VCCI thời gian tới.
"Mong Giáo sư - Tiến sĩ Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI tiếp tục cùng chúng tôi dẫn đầu lĩnh vực nghiên cứu để những khuyến nghị về những cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của VN luôn đạt chuẩn mực hàng đầu của thế giới, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho chúng tôi trong quá trình thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh". TS Vũ Tiến Lộc nói.