TS. Vũ Tiến Lộc: “Kinh doanh an toàn” để “sống chung với dịch”

Diendandoanhnghiep.vn Chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”- bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Trước thềm Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19; TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số trao đổi phản ảnh tình hình và kiến nghị với Thủ tướng các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu nội dung bài trao đổi của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Trong trao đổi này, tôi sẽ không trình bày chi tiết về các giải pháp, chỉ xin nhấn mạnh một số kiến nghị chung.

Thứ nhất, hôm nay, Thủ tướng mở “Hội nghị Diên Hồng”, kêu gọi “Tổng động viên” trên cả “4 mặt trận”: sản xuất kinh doanh, đầu tư công, hỗ trợ người dân và ứng phó với dịch bệnh. Để bảo đảm toàn thắng trên cả 4 mặt trận, tôi đề nghị Chính phủ chú trọng “5 mũi giáp công”: “Mở ngân khố, Nới tiền tệ, Đẩy đầu tư, Nhanh thể chế và Khai thị trường”. Quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ rất cao và các giải pháp được đưa ra như vậy là khá đồng bộ. Nỗ lực của các bộ ngành, địa phương rất đáng được trân trọng, nhưng kết quả còn chưa được như mong muốn.

So sánh thì có thể còn khập khiễng, nhưng cảm giác chung là, trên trận tuyến chống đỡ dịch bệnh, thì chúng ta có thể yên tâm, nhưng trong hỗ trợ doanh nghiệp thì chúng ta còn quan ngại. Quan ngại vì việc thực hiện các trương chính sách mà trực tiếp là Chỉ thị 11, 16 của Thủ tướng nhiều việc còn chậm và thiếu nhất quán. Quan ngại vì chúng ta đã xác định phải thực hiện nhiệm vụ kép “chống dịch là ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng”, nhưng dường như việc hỗ trợ doanh nghiệp đã chưa được triển khai thật quyết liệt, khẩn trương như chống dịch và vẫn có hiện tượng các bộ ngành không nhất quán, mỗi địa phương làm một kiểu.

Thứ hai, Thủ tướng bảo phải “không được ngăn sông, cấm chợ, phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh”, Chính phủ nỗ lực giãn, hoãn, giảm thuế, bơm tín dụng, giảm thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp, nhưng có địa phương vẫn phát lệnh cấm sản xuất, đóng cửa công trường, ngăn không cho xe chở nguyên vật liệu và lao động ra vào tỉnh, thành… gây ắc tách cho sản xuất.

Dù không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, trước diễn biến của dịch bệnh nhưng tôi vẫn muốn đề nghị với Thủ tướng chỉ đạo các địa phương rà xét, dỡ bỏ ngay các quy định và hành sử bất hợp lý của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh (trừ những ngành, những lĩnh vực rất hạn chế phải ngừng hoạt động do yêu cầu chống dịch như hàng không, nhà hàng, du lịch...).

Trong bối cảnh khó khăn trăm bề như hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp đều phải giảm quy mô sản xuất, hay đóng cửa ngừng hoạt động thì doanh nghiệp nào còn có thị trường, có nguyên liệu để có thể duy trì được sản xuất kinh doanh, chúng ta phải rất trân quý, chắt chiu và tạo điều kiện thuận lợi cho họ với điều kiện họ phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bởi vì doanh nghiệp là huyết mạch của nền kinh tế, là bếp ăn của xã hội. Đằng sau hoạt động của doanh nghiệp là những vấn đề quốc tế dân sinh - là tăng trưởng, là nguồn thu ngân sách, là công ăn việc làm, là an sinh xã hội.

Bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế. Không ai có thể biết được bao giờ dịch bệnh sẽ qua đi. Khi thế giới còn chưa hết dịch thì Việt Nam chưa thể an toàn vì vậy cả cuộc chiến y tế và kinh tế có thể sẽ còn kéo dài. Vậy thì phải chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch”, thực hiện “kinh doanh an toàn”- kinh doanh trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.

Để phục vụ yêu cầu này, tôi đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp kịch bản xử lý, cách ly khi có người lao động hoặc khách hàng bị lây nhiễm Covid, hạn chế đến mức cao nhất việc phải ngừng việc đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp hay doanh nghiệp khi chưa thật cần thiết.

Tôi cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành ngay danh mục các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu và các sản phẩm dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi giá trị, để có phương án chủ động bảo đảm sản xuất cung ứng các mặt hàng này được thông suốt, phục vụ đời sống nhân dân và các yêu cầu của xã hội, ngay cả trong trường hợp chúng ta phải siết chặt thêm các biện pháp cách ly hay phong tỏa.

Hiện nay, khái niệm các mặt hàng thiết yếu đang được hiểu rất khác nhau. Sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu không thể nào quan niệm chỉ bao gồm khâu lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm cuối cùng, mà còn bao gồm cả khâu sản xuất nguyên, nhiên vật liệu, dán nhãn, bao bì… Ai bảo sản xuất chip Intel là không thiết yếu, phải ngừng sản xuất, khi linh kiện này là thành tố không thể thiếu để sản xuất các thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho chữa trị Covid-19, phục vụ cho điều trị y tế từ xa? Ai bảo nhà máy sản xuất bìa carton là không thiết yếu, phải ngừng sản xuất, khi nếu không có bao bì thì lấy gì đóng gói chở máy trợ thở đến với các bệnh nhân?... Tất cả đều liên quan – nguyên lí sản xuất chuỗi là như vậy.

Hiện tại, chúng ta đã có danh mục mặt hàng thiết yếu theo luật định nhưng quá hẹp, không còn phù hợp, tôi nghĩ rất cần phải sửa đổi ngay.

Thứ ba, về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng, ở giai đoạn hiện nay, theo tôi là phù hợp cả về mức độ bao phủ và liều lượng nhưng phải được tổ chức thực hiện thật quyết liệt và khẩn trương.

Mục tiêu của gói giải pháp ở giai đoạn này nhằm tới “trợ giúp” cho doanh nghiệp là phù hợp. Và vì vậy, phải xoay quanh các biện pháp giúp được doanh nghiệp hạ được giá thành, bán được hàng, cải thiện khả năng thanh khoản, để có thể duy trì sản xuất, cầm cự hay ít nhất là bảo toàn được trong trạng thái “ngủ đông”. Hai công cụ quan trọng nhất của Chính phủ vẫn là chính sách tài khóa và chính sách tín dụng về lao động tiền lượng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp … cũng rất quan trọng. Khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các doanh nghiệp bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên, thì các biện pháp “giải cứu” phải được triển khai. Lúc đó, trọng tâm chính sách là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu của nhà nước, thậm chí nhà nước có thể mua lại nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, để tránh đổ vỡ dây chuyền.

Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là đối tượng ưu tiên xuyên suốt của chính sách hỗ trợ, vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương. Đồng thời, tăng đầu tư công vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng những cơ sở hạ tầng của tương lai như công nghệ thông tin, viễn thông và chuyển đổi số… là hướng đi quan trọng vừa để kích cầu vừa tạo lập nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Thứ tư, bất kể tình hình dịch bệnh có diễn biến thế nào, thì trong cuộc chiến này, sẽ có một bộ phận lớn doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường. Đó là sự sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt mà chúng ta buộc phải chấp nhận. Vì vậy, định hướng chính sách cũng cần lưu ý tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh.

Hỗ trợ là hỗ trợ phát triển, chứ không phải hoạt động cứu tế cho những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh. Các ngân hàng thương mại tự mình có thể phân loại và xác định khá chính xác các đối tượng này để định hướng phân bổ nguồn tín dụng. Chính sách trợ giúp thông qua tài khóa thì có thể khó khăn hơn. Cho nên sự phối hợp giữa các định chế tài chính và tín dụng là việc quan trọng nên làm trong cả giai đoạn “trợ giúp” và “giải cứu” cho nền kinh tế để có thể tạo ra tác động cộng hưởng. Hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng sẽ không chỉ giúp nền kinh tế không đổ vỡ khi dịch bệnh mà còn định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi.

Thứ năm, thị trường là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Việc trước mắt cần làm là đề nghị Chủ tịch Nước trình Quốc hội sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA mở bung cánh cửa cho hang hoá Việt Nam thâm nhập thị trường có nhiều tiềm năng này. Đẩy mạnh thực thi CPTPP, EVFTA và các FTAs khác là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khai mở thị trường cả trong đại dịch và sau đại dịch.

Nhưng các FTAs chỉ là cơ hội mà không phải là sự bảo đảm chắc chắn để doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới. Muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải coi việc thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc”thị trường nhà mình là quan trọng. Quy mô của một thị trường gần 100 triệu dân với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tiến trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh, tầng lớp trung lưu bùng nổ, chính là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Dưới tác động cộng hưởng của công nghệ số, của dịch bệnh, của chiến tranh thương mại… các dòng chảy thương mại và đầu tư trên thế giới được dự báo sẽ đảo chiều. Xu hướng đa dạng hoá thị trường, phân tán rủi ro trong đầu tư và quay trở về chính quốc … của các tập đoàn xuyên quốc gia sau đại dịch sẽ vừa là thách thức vừa là cơ hội với chúng ta.

Đặc biệt, khi doanh nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ, thì việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho doanh nghiệp Việt. Gói kích cầu lớn nhất chính là lòng yêu nước, yêu doanh nghiệp Việt của người tiêu dùng Việt trong bối cảnh khó khăn này. Tôi đề nghị phát động một đợt cao điểm phong tràoNgười Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những tháng từ nay đến cuối năm.

Thứ sáu, để nền kinh tế có thể trụ vững và phát triển, thì cải cách thể chế vẫn là nền tảng quan trọng hàng đầu. Đại dịch là một khoảng lặng để chúng ta suy ngẫm để sống và làm việc thiết thực hơn, bớt ồn ào, bớt họp hành, đi lại, tập trung vào những điều chính chốt. Làm việc thông minh, trực tuyến, đẩy nhanh chuyển đổi số sẽ giúp giản lược hơn cuộc sống của chúng ta. Đại dịch là sức ép để chúng ta buộc phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn có trách nhiệm hơn để thích với tình hình. Tâm thế đó rất thích hợp cho những đổi mới sáng tạo, rất thích hợp để đẩy nhanh những nỗ lực cải cách thể chế để chống đỡ với dịch bệnh, và để phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch.

Thứ bảy, cuối cùng, “cuộc chiến” để chống suy thoái, duy trì tăng trưởng chắc chắn sẽ kéo dài và sẽ cam go không kém cuộc chiến để phòng chống dịch. Sự phối hợp, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ quyết định thắng lợi của chúng ta.

Để có được một cơ chế thường xuyên phối hợp các mũi giáp công để duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế nhằm đạt hiệu quả cao giống như trong công tác phòng chống dịch bệnh, tôi đề nghị Chính phủ cho thành lập ngay Ban chỉ đạo và Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Thủ tướng Chính phủ nên là trưởng ban chỉ đạo này. Và vì, đây là Ban chỉ đạo và Tổ công tác trợ giúp doanh nghiệp nên tôi đề nghị có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tham gia các thiết chế này.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết TS. Vũ Tiến Lộc: “Kinh doanh an toàn” để “sống chung với dịch” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714046226 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714046226 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10