Từ “ăn chặn” hàng từ thiện nghĩ đến “tham nhũng vặt”

Diendandoanhnghiep.vn “Tham nhũng vặt” đã không dừng lại ở “cửa quan”, mà lây lan như một bệnh dịch đến nhiều cấp cán bộ, kể cả cán bộ tiếp nhận hàng từ thiện.

Câu chuyện về 8 cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (xã Thụy An, huyện Ba Vì) thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội lợi dụng trời nhá nhem tối, tuồn bánh Trung thu, sữa, bim bim qua hàng rào mang đi đang nhận sự phẫn nộ từ dư luận.

Hình ảnh ăn chặn hàng từ thiện diễn ra tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ở Ba Vì. Ảnh: Nguyễn Long (Đời sống Việt Nam)

Hình ảnh ăn chặn hàng từ thiện diễn ra tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ở Ba Vì. Ảnh: Nguyễn Long (Đời sống Việt Nam)

Ngay sau đó, đoàn công tác của Sở Lao động Thương binh và Xã hội do Phó Giám đốc Hoàng Thành Thái dẫn đầu đã làm việc với trung tâm. Ông Thái cho rằng việc cán bộ Trung tâm ăn chặn hàng từ thiện là “rất đáng tiếc, từ xưa đến nay chưa xảy ra” và có thể làm mất lòng tin của nhà từ thiện.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng giao thanh tra thành phố chủ trì kiểm tra làm rõ thông tin nêu trên, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm với các tập thể, cá nhân liên quan.

Đáng chú ý, giải thích cho “sự cố” này, Giám đốc Trung tâm Đỗ Đức Hồng nói việc “tuồn ra hàng rào như thế là hoàn toàn vi phạm quy định của ngành và đạo đức nghề nghiệp”, nhưng cho rằng “không có chuyện việc ăn chặn hàng xảy ra thường xuyên ở Trung tâm, sự việc vừa qua chỉ mang tính bột phát của một số cá nhân”.

Thực tế hiện nay cho thấy, có nhiều cá nhân, tổ chức, công ty, doanh nghiệp, CLB thiện nguyện làm từ thiện bất kể ngày, tháng, năm. Hễ có thông tin ai cần giúp đỡ hoặc đang sống trong tình cảnh khó khăn là họ tìm đến tận nơi. Làm từ thiện bằng cả tấm lòng nhân ái và không cần đền đáp bằng những lời ca tụng có cánh. Nên, sự cố này ít nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của những cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện.

Cá nhân người viết cũng nghĩ rằng, đã là người thì ai cũng tham lam. Người có chức có quyền thì càng có cơ hội để tham lam, tham nhũng và lạm quyền. Do đó chỉ có hệ thống, phương cách, và luật pháp nghiêm minh để kìm hãm sự lộng quyền, tham lam và tham nhũng của người có chức có quyền.

Và đây chính là hiện tượng mang tên “tham nhũng vặt”. Nó xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nhau liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công quyền tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Sự nhũng nhiễu của một số cán bộ, nhân viên tại cơ quan công quyền tạo ra một thói quen rất xấu khi đến “cửa quan” là phải “lót tay”, phải “bôi trơn”. 

Đáng buồn thay, “tham nhũng vặt” đã không dừng lại ở “cửa quan”, mà lây lan như một bệnh dịch ra nhiều lĩnh vực khác. Đã xuất hiện không ít tình trạng ăn bớt, ăn chặn tiền, quà trợ cấp khó khăn, trợ cấp nhân đạo… của một số cán bộ tại các địa phương, địa điểm được nhận ủng hộ và hoạt động nhân đạo của các tổ chức từ thiện, của những người có tâm.

Đau lòng ở chỗ, ngay tại Trung tâm này, đối tượng được nhận quà là những người già neo đơn, những trẻ em mồ côi cha mẹ, tàn tật, khi được đưa vào đây nuôi dưỡng, chắc chắn là những người thuộc nhóm thiệt thòi nhất trong xã hội, khi không còn nơi nương tựa, chăm sóc. Thế mà, những người được nhà nước trả lương để làm cái việc rất có ý nghĩa là chăm sóc cho những người thiệt thòi ấy, lại tước đi những đồng quà, miếng bánh - những cơ hội cuối cùng cho họ.

Ngay khi đọc cái tin đáng xấu hổ này, hẳn ai đó sẽ nhớ lại khi đọc cuốn “Living History” của bà Hillary Clinton, một cuốn sách nổi đình nổi đám mấy năm trước. Trong đó có chi tiết nhỏ: Khi còn bé, bà đệ nhất phu nhân đã chứng kiến mẹ bà tặng cô bé nghèo hàng xóm một chiếc áo đầm thật đẹp. Hillary đã hỏi mẹ mình, tại sao mẹ lại mua áo đẹp cho cô bé kia trong khi với số tiền đấy có thể tặng biết bao nhiêu món quà hữu ích khác? Lời đáp: “Tiền bạc có thể mua tất cả mọi thứ, nhưng ước mơ về một thế giới tốt đẹp không phải lúc nào cũng có thể mua sắm được”.

Có thể nói, ở nước ta hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng đang ngày càng quyết liệt và đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng liên quan đến nhiều quan chức các cấp, trong đó có cả đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm tăng niềm tin của nhân dân ta với Đảng … Tuy nhiên, nhân dân hài lòng với công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bao nhiêu thì chưa hài lòng với tình trạng “tham nhũng vặt” bấy nhiêu.

Dĩ nhiên, “tham nhũng vặt" nói chung và trường hợp này nói riêng tuy giá trị không lớn nhưng nó kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội, nó làm băng hoại đạo đức xã hội, làm người dân mất niềm tin đối với cơ quan thực thi nhiệm vụ. Nhất là làm ở một Trung tâm nhân đạo mà lại có hành vi vô nhân đạo. Không thể nào chấp nhận bất cứ một lý lẽ nào để bao biện cho hành vi của những người này.

Thật buồn, vì cái gì người ta cũng có thể “ăn”!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Từ “ăn chặn” hàng từ thiện nghĩ đến “tham nhũng vặt” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713618459 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713618459 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10