Muốn dân giàu, nước mạnh trước tiên phải có ý chí tự lập, tự cường để vươn lên.
Theo PGS TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khát vọng xây dựng Việt Nam giàu mạnh luôn soi sáng tiến trình cách mạng Việt Nam.
Con đường cách mạng giành độc lập tự do đầy chông gai, gian khổ nhưng cả dân tộc đoàn kết đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để có thắng lợi vẻ vang.
- Nếu nhìn lại lịch sử, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng xây dựng Việt Nam giàu mạnh đã để lại cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá ngày hôm nay, thưa ông?
Với bút danh C. K trong bài viết “Con đường phía trước” đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 20/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Đó là chỗ bắt đầu đi của chúng ta... Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi... Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm vững xu thế phát triển của thời đại từ đó tìm ra con đường đi của Việt Nam. Năm 1945, khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đưa đất nước tiến lên theo con đường chủ nghĩa xã hội nhưng là mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với Việt Nam, trong đó có sự kế thừa và chọn lọc từ các mô hình Chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Đặc biệt, người luôn tâm niệm để Việt Nam có thể trở thành một nước độc lập, tự do thì chúng ta chỉ có thể dựa vào ý chí tự lực tự cường của dân tộc chứ không thể chông chờ vào các yếu tố bên ngoài được.
Để xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước giầu mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của tầng lớp công thương gia, coi đây là lực lượng xã hội quan trọng trong công cuộc kiến thiết đất nước. Quan điểm này thể hiện rất rõ trong bức thư gửi giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà non trẻ vừa ra đời được một tháng.
Khát vọng xây dựng Việt Nam giàu mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyền năng lượng cho cả dân tộc. Đây cũng chính là tinh thần được cả dân tộc hun đúc trong hàng nghìn năm hình thành và phát triển. Đến hôm nay, đứng trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ, bài học về nắm rõ xu thế của sự phát triển từ đó nắm bắt thời cơ và thách thức để Việt Nam có thể vươn lên khẳng định vị thế luôn còn nguyên giá trị.
- Ông đánh giá thế nào về việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh khát vọng xây dựng Việt Nam giàu mạnh của những nhà lãnh đạo, hôm nay?
Khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh được Chủ tịch HCM coi là một kim chỉ nam trong mọi hành động và mục đích cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, những nhà lãnh đạo của Việt Nam đã học tập và đi theo con đường mà HCM đã định ra.
Cụm từ “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định là sáng tạo độc đáo trong việc tìm tòi một công thức xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Sau này, trong cả các chương trình hành, động các Nghị quyết, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính Phủ đều hướng đến mục tiêu trên.
Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 khóa XII khẳng định: "Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ và vị thế như hiện nay. Có được cơ đồ và vị thế ấy, là kết hợp giữa sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị đúng đắn, phương pháp cách mạng thích hợp và khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
- Từ mục tiêu đến bài học, chúng ta đã có những nền tảng khá vững chắc. Nhưng thành quả cách mạng cần được lan tỏa đến tới từng người dân cũng như tạo dựng vị thế của Việt Nam, thưa ông?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng: "Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì nền độc lập ấy cũng không có nghĩa lý gì". 73 năm nay, theo tư tưởng đó của Bác, Việt Nam vẫn không ngừng phấn đấu xây dựng nhà nước, chế độ mới. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Nếu so với năm 1945, đời sống của nhân dân đã tăng lên hàng trăm lần.
Từ một nước phong kiến lạc hậu, một nước thuộc địa, thậm chí bị xóa tên trên bản đồ chính trị thế giới, chúng ta đã khôi phục và phát triển nền độc lập, ngày càng khẳng định vị thế trong quan hệ ngoại giao. Giờ đây chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 188 nước trong tổng số 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc; có quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia lớn trên thế giới; có quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia lớn trên thế giới; quan hệ với các khu vực, các cường quốc lớn ngày càng phát triển.
- Xin cảm ơn ông!