Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu, từ ngày mai (4/4), những người không thuộc diện được ra ngoài đường mà vi phạm thì phải xử phạt nghiêm.
Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội chiều ngày 3/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm tra việc thực hiện “cách ly xã hội”, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ khoảng cách tiếp xúc, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.
15 ngày vàng quyết liệt
Đặc biệt, theo ông Chung, cần tuyên truyền để người già và những người không có việc cần thiết, trong hai tuần tới, không nên ra đường.
"Ngày mai, các quận, huyện tăng cường kiểm tra, những trường hợp nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường là phải phạt. Chế tài phạt có rồi, các đồng chí kiểm tra và phải phạt”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Chung yêu cầu tất cả các công viên trên địa bàn phải đóng cửa, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa. Tất cả mọi người nên ở nhà. “Nếu như qua được 15 ngày này, thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Theo ông Chung, Việt Nam đã dừng các hoạt động tụ tập đông người, cho học sinh nghỉ học, đây là các yếu tố làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.
Dẫn nghiên cứu mới nhất từ Bỉ cho thấy, hành vi sai trái của 10% dân số (như tăng tần suất đi ra ngoài) có thể nâng tỷ lệ lây nhiễm từ 30% lên xấp xỉ 60% dân số. Nếu hành vi sai trái được thực hiện bởi 40% dân số thì việc cách ly xã hội sẽ không có giá trị, không tạo ra được sự khác biệt nào.
"Tuy nhiên, tất cả người làm công tác phòng chống dịch không được chủ quan, bởi nếu virus lây lan thì lây lan rất nhanh. Nếu qua được từ nay đến 15/4, trước mắt đến ngày 9/4, mà giảm được người lây nhiễm thì yên tâm, còn không thì sẽ có nguy cơ bùng phát ra. Chúng ta hy vọng không phải dùng đến Bệnh viện dã chiến Mê Linh”, ông Chung yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm
19:31, 03/04/2020
17:45, 03/04/2020
21:35, 29/03/2020
13:51, 29/03/2020
00:54, 03/04/2020
Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị cơ quan truyền thông của T.Ư và thành phố tuyên truyền, khuyến cáo người dân, hơn lúc nào hết, phải chấp hành việc hạn chế ra đường.
Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo trong giai đoạn này, nghiêm cấm các đơn vị nào cắt các dịch vụ điện, nước, điện thoại, viễn thông... cần tăng cường các dịch vụ này, đảm bảo yêu cầu thiết yếu nhất cho người dân sử dụng.
Cần khuyến cáo tuyên truyền cho người dân khi ở nhà, thường xuyên phải kiểm tra các thiết bị điện, đảm bảo không bị chập, cháy, nổ. Các đơn vị phòng cháy chữa cháy phải trực 100% để ứng phó.
Theo chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố chỉ đạo tất cả các trường hợp lái xe taxi, lái xe công nghệ, xe ôm phục vụ cổng bệnh viện Bạch Mai tiếp tục phải được rà soát.
Liên quan đến các công trình xây dựng, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cập nhật tinh thần chỉ đạo của VPCP. Chủ tịch Hà Nội cho biết, với những công trình có dưới 10 người, đảm bảo chở công nhân đi về, đo thân nhiệt, khai báo y tế, đủ yếu tố thì công bố công khai.
Cũng trong chiều ngày 3/4, VPCP đã có văn bản số 2601 về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, "cách ly xã hội" được thực hiện bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn,...
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện, nước, nhiên liệu,...); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.