Trước khi quy hoạch cho sự phát triển của đất nước, những người được giao trọng trách phải “quy hoạch” niềm tin trong lòng dân chúng?
Nguyễn Trãi - vị khai quốc công thần, người “thiết kế” cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hồi thế kỷ XV giúp Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, khôi phục nước Đại Việt, lập ra thời Lê sơ, đã rút ra bài học kinh điển “Dân là nước, nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền”.
Hơn 500 năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tinh thần cổ nhân, Bác nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Quan điểm đã được nâng thành lý luận, tư tưởng. Sẽ đúng, luôn đúng và mãi mãi đúng về sau.
Giữa hội trường lớn, một vị hưu trí đầy hiểu biết đã thẳng thắn góp ý với cơ quan quyền lực “Các đồng chí phải tôn trọng dân chúng, người dân nay khôn lắm, cái gì cũng biết, có nhiều cán bộ còn thua dân đấy!”
Lời khuyên chân thành của một người từng “cầm cân nảy mực” làm cả khán phòng rầm rập vỗ tay, với thái độ lắng nghe và cái gật đầu tán dương của những người ngồi trên bục cao nhất trong hội nghị hôm đó, người viết cảm nhận được một chân lý vừa dũng cảm thoát ra.
Có thể bạn quan tâm
19:21, 09/05/2018
19:45, 03/05/2018
21:39, 10/05/2018
Hơi “đao to búa lớn” nếu vận cổ suy kim chỉ duy một mục đích cố gắng lý giải tận gốc gác nhiều vấn đề mà “một bộ phận không nhỏ” mắc phải thời gian qua. Nhiều cụm từ đã được Luật hóa “thiếu trách nhiệm”, “gây hậu quả nghiêm trọng”, “cố ý làm trái”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn”… phải chăng đều có chung một nơi phát tích?
Mặc dù nơi phát tích đó có vẻ ảo diệu xa xôi nhưng thật ra nằm ngay trong lòng người. Không chỉ là câu chuyện Thủ Thiêm, một khu đất “vàng”, vàng thật chứ không phải kiểu bóng gió.
Thử đặt câu hỏi: Một khu đất có vị trí quan trọng bậc nhất là Thủ Thiêm mà người ta dám “quy hoạch” không có bản đồ? Tạm tin câu hỏi này là đúng, như thế có nghĩa người ta “quy hoạch miệng” và sau đó (có thể) dễ dàng thay đổi quy hoạch cũng bằng…miệng!?
Sở dĩ xuất hiện câu hỏi đó là vì tình thế “ông nói gà, bà nói vịt” suốt nhiều ngày qua, trong khi Thành phố nói bản đồ bị thất lạc thì Trưởng ban Tiếp dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) nói thẳng trên báo chí “làm gì có bản đồ mà tìm”.
Nghịch lại làm sao khi phía dân chúng lại trưng ra tấm bản đồ sao y tỷ lệ 1/5.000 có xác nhận của Văn phòng kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị!?
Cùng “phía dân”, nguyên một lãnh đạo cấp cao của UBND Thành phố khẳng định tấm bản đồ gốc tỷ lệ 1/5000 ông đang giữ. Như vậy cùng một tấm bản đồ quy hoạch đã có 3 ý kiến chọi nhau, trong đó chủ đạo là “luồng dân” và “luồng quan”.
Cớ gì nảy sinh ồn ào dư luận? Có phải người ta phớt lờ hàng triệu con mắt của dân chúng, có phải người ta đã quên mất bài học sống còn mà mỗi khi lật dở tư tưởng của Bác Hồ ra là thẩy rõ mồn một!
Từ một câu hỏi tưởng chừng vô thưởng vô phạt của truyền thông về số phận của bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, giới quan chức và đặc biệt cựu quan chức của Thành ủy và chính quyền TP.HCM có lẽ không thể hình dung rằng số phận của họ đã bị đóng đinh vào câu hỏi này.
Tấm bản đồ có hay không, không quan trọng bằng con mắt đầy hay vơi của người dân với cơ quan công quyền. Khu đô thị Thủ Thiêm hoành tráng hay không, không còn quan trọng bằng sự đồng tình hay phản đối của dân chúng.
Một tấm bản đồ - mà ở đó mỗi câu trả lời “có” hoặc “không” đều dính chặt với một động cơ nào đấy thì khó mong có kết quả minh bạch nếu như Thanh tra Chính phủ không rốt ráo vào cuộc.
Sẽ thế nào nếu bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thật sự không tồn tại? Dễ hiểu thôi, khi đó những bê bối quanh khu đất này tự nhiên chìm vào lãng quên, nhiều sai phạm (nếu có) cũng theo ai đó về thiên cổ, và người dân, nhất là mấy mươi hộ mỏi mòn kiếm công lý chưa biết ngày tìm ra.
Và nếu quả thật tấm bản đồ ấy chỉ mất theo… ý chí của ai đó, hậu quả không đong đếm được bằng tiền. Có thể Đảng, Nhà nước phải một lần nữa đau xót thi hành mệnh lệnh, như những gì đã và đang làm.
Trên tất cả vẫn là bài học “trọng dân”, nên chăng, trước khi quy hoạch cho sự phát triển của đất nước, những người được giao trọng trách phải “quy hoạch” niềm tin trong lòng dân chúng?.