Thương mại toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 6 năm. Đây vừa là dấu hiệu và nguyên nhân của sự phục hồi trong các thị trường hàng hóa.
Những tín hiệu đáng mừng
Kể từ sau Chiến tranh thế giới lần II, bước vào năm 2018, lần đầu tiên hệ thống thương mại toàn cầu phải đối mặt với quá nhiều rủi ro và bất ổn. Từ việc đàm phán lại Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ - Hàn (KORUS), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(CPTPP), hay thậm chí là số phận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thế nhưng, mối đe dọa lớn nhất đối với nền thương mại toàn cầu, lại là việc Chính quyền Washington đang dần từ bỏ vai trò lịch sử của mình. Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng, mang theo mình sự thịnh nộ với mọi thỏa thuận thương mại mà Mỹ đang có. Tổng thống Trump bác bỏ NAFTA, dè bỉu WTO, và ngay lập tức rút khỏi TPP.
Thậm chí, tại Hội nghị Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tổ chức tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng, bài phát biểu của Tổng thống Trump gần như là “một cái tát” vào hệ thống thương mại toàn cầu khi ông bác bỏ mọi hiệp định đa phương, và tuyên bố từ nay Washington sẽ chỉ đàm phán các hiệp định song phương.
Tuy nhiên, những động thái không mấy tích cực từ chính quyền Washington hóa ra lại không có mấy ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Lần đầu tiên sau 6 năm, thương mại toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế.
Trong một báo cáo được phát đi từ Văn phòng Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan CPB (NBEPA), các chuyên gia đã chỉ ra rằng tổng khối lượng thương mại tăng trưởng 4.5% trong năm 2017, cao hơn 3% so với thời điểm năm 2016 và là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Các chuyên gia của NBEPA nhấn mạnh “năm 2017 hóa ra lại là một năm cực kỳ tốt đẹp đối với hoạt động thương mại thế giới”.
Hoạt động thương mại tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018. Số lượng container vận chuyển đã được xử lý hàng tháng trên toàn cầu tăng trưởng 1.9% trong tháng 1/2018, mức tăng mạnh nhất trong 14 tháng, dựa trên số liệu tổng hợp của DIW Berlin và các tổ chức khác của Đức. Số liệu trên cũng được dùng như là một chỉ báo về xu hướng thương mại toàn cầu.
Trong tháng 1/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng ghi nhận rằng tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng khối lượng hàng hóa thương mại tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong năm 2017. Cơ quan này dự báo rằng khối lượng hàng hóa thương mại sẽ tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế toàn cầu cho đến năm 2019.
“Miếng bánh” thương mại toàn cầu sẽ được phân chia thế nào?
Trong Báo cáo toàn diện mới nhất của HSBC về triển vọng kinh doanh và thương mại toàn cầu có tiêu đề “Dịch vụ tăng trưởng mạnh và ranh giời mờ dần giữa hàng hóa và dịch vụ”. Theo đó, các chuyên gia của HSBC nhận định, thị phần dịch vụ trong miếng bánh thương mại toàn cầu đã tăng nhanh trong những năm gần đây, và đà tăng trưởng này sẽ được tiếp tục trong thời gian sắp tới.
Theo báo cáo, 78% các doanh nghiệp tại Việt Nam lạc quan về tăng trưởng kinh doanh dịch vụ của họ trong vòng 12 tháng tới, trong khi con số này tại các quốc gia khác là 61%. Việt Nam dẫn đầu danh sách các thị trường với 44% các doanh nghiệp cho rằng nhu cầu tăng đối với dịch vụ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, và 60% cho rằng yếu tố thứ hai là môi trường kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tận dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng.
Đối với Việt Nam, các chuyên gia HSBC cho rằng “thâm nhập thị trường mới chiếm 57%, hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ khác giữ vai trò quan trọng với 32%. Tuy nhiên, khá ít doanh nghiệp xem xét yếu tố sử dụng thương mại điện tử”
Về dự báo trong dài hạn cho thấy giá trị thương mại dịch vụ sẽ đạt mức tăng trưởng 7% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2030, và tốc độ này nhanh hơn tăng trưởng thương mại hàng hóa (6%). Các doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng ba yếu tố chính giúp thúc đẩy tăng trưởng bao gồm nhu cầu tăng từ người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều kiện kinh tế thuận lợi, cùng với việc tận dụng công nghệ.
Bên cạnh các thuận lợi, ba yếu tố rào cản cũng được các doanh nghiệp chỉ ra và cho rằng họ không kiểm soát được bao gồm những thay đổi tiêu cực lên môi trường kinh tế hay chính trị, chi phí lao động cao.
Trong khi các quốc gia phát triển giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu dịch vụ quốc tế, các chuyên gia của HSBC kỳ vọng các quốc gia đang phát triển “sẽ tăng dần vai trò của mình trong lĩnh vực này. Cụ thể, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc đối với dịch vụ sẽ mang đến cơ hội lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực”.