Phát biểu tại Chương trình Cafe Doanh nhân tháng 8, ông Trần Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, Tuyên Quang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo và phát triển bền vững.
Sáng 29/8, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang tổ chức Chương trình Cafe Doanh nhân tháng 8 với chủ đề Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong nền kinh tế số và phát triển phong trào thanh niên và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Chương trình Cafe Doanh nhân này, ông Trần Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng, tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của CMCN 4.0.
Có thể bạn quan tâm
01:33, 15/05/2018
16:14, 15/12/2017
10:22, 22/12/2017
14:40, 29/09/2017
10:45, 09/06/2017
10:41, 09/06/2017
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc CMCN 4.0 đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế trên nhiều phương diện. Sự tiếp cận với công nghiệp thông minh còn thiếu tính kết nối và chưa có sáng tạo, đột phá... cần những ý tưởng sáng tạo để giải quyết. Và đây cũng chính là cơ hội cho cộng đồng khởi nghiệp, thanh niên sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.
Theo ông Trần Ngọc Thực, doanh nghiệp Tuyên Quang phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá. Việc hình thành, phát triển lực lượng lao động được trang bị đủ kỹ năng, trình độ để khai thác, làm chủ được công nghệ, phương thức vận hành mới, tạo ra được sản phẩm, dịch vụ, giá trị gia tăng, việc làm mới cũng là một thách thức lớn.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ định hướng tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức; khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa và động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh và trong thương mại hóa, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Các doanh nghiệp phải có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra ngoài tỉnh, ra vùng và biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ “Sản xuất tại Việt Nam” chinh phục thị trường trong nước, thế giới; góp phần làm thay đổi, nâng tầm thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, quốc tế.
Ông Trần Ngọc thực cho biết, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng, tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cùng sự phát triển công nghệ thông tin (CNTT), đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của CMCN 4.0; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; cải cách giáo dục và dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới; tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cũng luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị.
Chia sẻ về các vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ, CMCN 4.0 đã bắt đầu và tiến triển ngày càng nhanh hơn, hiện nay chưa xác định được chính xác tốc độ, phạm vi và tác động tới xã hội, kinh tế, con người. Điều chắc nhắn là chưa hề có tiền lệ lịch sử nào như vậy, diễn biến không theo tuyến tính mà theo cấp số mũ, nhiều sản phẩm mới có tính đột biến có thể làm thay đổi cả nền công nghiệp hay cả một nền kinh tế. (dịch vụ taxi, ô tô tự lái, trí thông minh nhân tạo)
Đặc trưng của CMCN 4.0 là kết nối với nhau giữa người với người, máy với máy, thay đổi sâu sắc về xã hội: ai kết nối sẽ vượt lên người khác, năng suất lao động thu nhập sẽ cao hơn, bất bình đẳng sẽ cao hơn. CMCN 4.0 tác động lớn đến thị trường lao động, người máy có thể thay thế lao động của con người, có thể dẫn đến xung đột xã hội. Mặt khác, người máy sẽ thay thế con người ở những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, lao động sáng tạo, an toàn hơn và cũng thú vị hơn.Nhu cầu sẽ được đáp ứng bằng những sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới với tính năng, giá cả khác, thay thế các sản phẩm truyền thống. Một số nhu cầu và thói quen mới xuất hiện.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, cạnh tranh diễn ra chủ yếu thông qua sáng tạo công nghệ, chủ yếu về công nghệ số và tin học; Dữ liệu (kiến thức) là tài nguyên lớn nhất. TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý tới tác động của CMCN 4.0 tới doanh nghiệp đó là chu kỳ sản xuất, tuổi thọ sản phẩm ngắn hơn, mở ra khả năng to lớn thay đổi sản phẩm, công nghệ, giao tiếp với khách hàng, tổ chức quy trình sản xuất, quản lý...Nâng cao tính năng động, kết nối quốc tế và trong nước, từ bỏ cách kinh doanh theo kinh nghiệm và truyền thống, sẵn sàng chấp nhận cái mới. Quản trị công nghệ là trọng tâm quản trị doanh nghiệp, trọng dụng nhân tài. Nâng cao tính công khai minh bạch trong quy trình sản xuất và kinh doanh;Tận dụng các khả năng mới tiếp cận khách hàng qua mạng xã hội, điện thoại thông minh; Tiết kiệm chi phí về thời gian và tiền bạc; Thay vì kiếm lời qua quan hệ thân hữu, doanh nghiệp cần đầu tư vào nguồn nhân lực và trang thiết bị, khoa học-công nghệ.Doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược, năng động hơn… TS. Lê Đăng Doanh cũng đưa ra những dự báo và cảnh báo đối với doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), CPTPP…
Tại chương trình các chuyên gia, doanh nhân cũng thảo luận, chia sẻ quan điểm, định hướng và những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, bảo đảm tính khách quan, khoa học và phù hợp với thực tiễn tỉnh Tuyên Quang.
Trong khuôn khổ chương trình cafe doanh nhân, Câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã giới thiệu về Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Tuyên Quang với phong trào thanh niên khởi nghiệp phát triển và đổi mới sáng tạo. Năm 2018, Tỉnh đoàn Tuyên Quang và cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức nhiều diễn đàn, phát động các phong trào thanh niên khởi nghiệp phát triển và đổi mới sáng tạo; gần đây nhất là cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn Tuyên Quang được tổng kết trao giải vào ngày 17/6/2018, đồng thời ra mắt Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Tuyên Quang.
Theo ông Nguyễn Vũ Linh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tuyên Quang, Giám đốc Cty TNHH Tắc Thành, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Tuyên Quang cho biết, phong trào thanh niên khởi nghiệp phát triển và đổi mới sáng tạo có nhiều khởi sắc với các hoạt động hiết thực như giao lưu với thanh niên, sinh viên các trường trung học, đại học; tập huấn hướng dẫn thanh niên tham gia Cuộc thi khởi nghiệp; giao lưu, học tập kinh nghiệm các mô hình tiêu biểu trên địa bàn... Thời gian tới, Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu giúp các ý tưởng thành hiện thực, tư vấn, động viên các bạn thanh niên thành lập doanh nghiệp phát triển kinh doanh lâu dài, thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (vườn ươm), tổ chức diễn đàn hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp tại các huyện và các trường… Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng nhận thấy một số khó khăn trong khởi nghiệp trên địa bàn như: ngành nghề kinh doanh khá hạn chế; giải pháp tiêu thụ sản phẩm vẫn còn tự phát; còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, tâm lý sợ “lớn”, sợ rủi ro… Ông Linh cũng đề xuất thành lập văn phòng hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, để tập hợp các thông tin về khởi nghiệp, hỗ trợ một cách tốt nhất cho thanh niên mong muốn khởi nghiệp, lập nghiệp... Đồng thời, lựa chọn mỗi huyện một sản phẩm nổi bật, thế mạnh; chọn ra một Mô hình khởi nghiệp tiềm năng, sau đó tập trung thúc đẩy, hỗ trợ thành công, tạo tấm gương cho các thanh niên khác học tập.