Ứng phó với bảo hộ thương mại

Nguyễn Việt thực hiện 21/07/2019 05:03

Khi trao đổi với DĐDN, PGS.TS HÀ VĂN SỰ - Trưởng Khoa Kinh tế - luật, Trường Đại học Thương mại cho rằng,

khi sản phẩm Việt Nam bị các nước khác áp dụng biện pháp bảo hộ thuế quan, doanh nghiệp cần tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, thay vì bằng hàng giá rẻ, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu thiệt hại.

Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, bởi xuất nhập khẩu/GDP của Việt Nam hiện lên tới 210%. Khi một nước nào đó bị Mỹ áp mức thuế cao thì chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách “mượn” Việt Nam để xuất sang Mỹ để tránh thuế. Đơn cử, nếu doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thép Trung Quốc để xuất khẩu vào Mỹ thì rất dễ bị truy xuất nguồn gốc. Bởi vậy, các cơ quan chức năng Việt Nam cần phải kiểm soát chặt chẽ các trường hợp này để tránh bị “vạ lây”.

- Vậy theo ông, sau thép chúng ta cần đặt cảnh báo ở những mặt hàng nào?

Theo tôi, ngành nào cũng có nguy cơ… tiềm ẩn. Bởi chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, trong nền kinh tế đang ngày một phẳng, rào cản thương mại được ví như một “lá bùa” hộ mệnh bao bọc, bảo vệ sản phẩm trong nước trước sự tấn công vũ bão của các mặt hàng cùng loại từ các nước xuất khẩu. Vì thế, ngày càng nhiều các rào cản thương mại được các nước nhập khẩu áp dụng. Chỉ tính riêng thị trường Hoa Kỳ, số liệu từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, từ năm 2016 đến nay, số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tất cả các nước tăng lên theo từng năm. Nếu như năm 2016 mới chỉ có 56 vụ, năm 2017 đã tăng lên 73 vụ và tính đến thời điểm tháng 5/2018 Hoa Kỳ đã điều tra chống bán phá giá với 53 vụ.

Tôm, cá tra Việt gần như năm nào cũng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá rất nặng. Nguyên nhân là do tôm, cá Việt Nam được sản xuất quy mô lớn, chi phí thấp nên giá xuất khẩu cạnh tranh. Ngoài ra, mặt hàng dệt may, da giày, gỗ, nông sản… xuất khẩu của Việt Nam cũng đang rơi vào tầm ngắm của Mỹ.

p/Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố sẽ áp thuế 456% đối với các sản phẩm thép Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan

Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố sẽ áp thuế 456% đối với các sản phẩm thép Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan

Tuy nhiên, các rào cản thương mại không chỉ xuất hiện ở những thị trường “truyền thống”, mà ngay đối với các quốc gia trong khu vực ASEAN, những năm gần đây họ đã bắt đầu thực hiện kiện Việt Nam liên quan đến các vấn đề lẩn tránh thuế và chống bán phá giá. Ví dụ, tính đến thời điểm này, Việt Nam bị Indonesia thực hiện điều tra chống bán phá giá 3 vụ, Malaysia 4 vụ, Thái Lan 4 vụ.

- Nhưng cũng không thể không nhắc tới chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam dường như thiếu cẩn trọng trong việc chứng minh xuất xứ của mình, thưa ông?

Đúng là có trường hợp các doanh nghiệp Việt thiếu khả năng tìm hiểu những quy định của thị trường nước nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng ta phải cảnh báo thủ đoạn gian lận xuất xứ đang ngày càng nhiều hiện nay.
Thủ đoạn thường thấy nhất trong trường hợp này là các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam sản xuất gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng ở công đoạn chưa đủ để đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ nhưng vẫn khai báo là xuất xứ Việt Nam.

Trên thực tế, ngoài việc xuất hàng hóa đi nước ngoài lợi dụng giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O) để hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp vi phạm còn gian lận để hoàn thuế giá trị gia tăng với số lượng rất lớn.

- Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt cần ứng phó các rào cản thương mại theo cách thức nào, thưa ông?

Bản thân các vụ kiện chống bán phá giá hay các rào cản thương mại nói chung đều có thời gian rất ngắn, trong khi các yêu cầu về quy trình kỹ thuật lại tương đối phức tạp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị sớm để có những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, lưu trữ hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch, rõ ràng và phù hợp để đến khi cần thì có thể chứng minh được dễ dàng hơn.

Cùng với đó, các doanh nghiệp nên thường xuyên cùng với các đối tác nhập khẩu theo dõi sát các động thái của các nhà sản xuất nội địa ở thị trường xuất khẩu, những “nguyên đơn tiềm năng” của phần lớn các vụ việc. Trong một số trường hợp hãn hữu thì vẫn có thể tránh được những vụ kiện nếu có thể trao đổi trước được với các nhà sản xuất tại nước sở tại.

Trở lại với câu chuyện xuất xứ - ở đây là sản phẩm thép, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt cần chứng minh được sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc, sản phẩm đã trải qua “chuyển đổi đáng kể” phù hợp với luật pháp Mỹ và quốc tế để phục vụ nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam chứ không bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp thép Trung Quốc để lẩn tránh thuế.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ứng phó với bảo hộ thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO