Ứng phó với vấn nạn "bùng" nợ các ứng dụng cho vay P2P

Diendandoanhnghiep.vn Bên cạnh áp lực cạnh tranh ồ ạt bởi mô hình cho vay qua app biến tướng, các công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) chân chính còn phải đối mặt vấn nạn nhiều khách hàng "bùng" nợ.

Sự dễ dàng của nhiều app cho vay online đã khiến nhiều người có tư tưởng

Sự dễ dàng của nhiều app cho vay online đã khiến nhiều người có tư tưởng "vay để bùng nợ"

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang chiếm nhiều ưu thế tiếp cận người vay lẫn các nhà đầu tư cung cấp vốn vay. Tuy nhiên, thời gian qua, hiện tượng nhiều người “bùng” tiền, không trả nợ các ứng dụng cho vay đang xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này tác động không nhỏ tới các nhà đầu tư Fintech. Để tìm hiểu thêm về thực trạng này, cách đối phó cũng như giải pháp, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Mạnh Cường - Giám đốc Thẩm định, Công ty Fintech VO247.

- Thưa ông, thực trạng vay tiền qua app rồi "bùng" nợ đang diễn ra khá nóng hiện nay. Ông đánh giá thực trạng này như thế nào?

Thời gian gần đây, hiện tượng bùng tiền app vay online đang diễn ra mạnh mẽ hơn, mặc dù không phải là hiện tượng mới mà đã tồn tại từ lâu. Đặc biệt, trong bối cánh dịch bệnh cũng góp phần làm tăng hiện tượng này, vì nhiều người vay tiền lâm vào hoàn cảnh khó khăn bất ngờ, thậm chí bất khả kháng do yếu tố khách quan.

Theo quan sát riêng của chúng tôi, mỗi khi có những đợt khó khăn về tài chính thì lượng hồ sơ vay mới xuất hiện nhiều, trong đó có nhiều người chưa vay bao giờ. Chắc chắn trong đó, sẽ có những tỷ lệ dùng mọi cách để vay được tiền, còn làm sao trả được thì tính sau, thậm chí họ không có năng lực trả nợ. Nhìn chung, hiện tượng này đang trở nên phổ biến hơn và tính chất cũng phức tạp hơn trước.

- Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng  bùng nợ app diễn ra ngày càng nhiều như hiện nay, thưa ông?     

Để lý giải nguyên nhân hiện tượng bùng nợ app, chúng ta cần tìm hiểu lý do và hoàn cảnh người vay tiền.

Thứ nhất, do hoàn cảnh khó khăn như dịch bệnh, cắt giảm việc làm, cần tiền sinh hoạt, ốm đau,... tìm đến các tổ chức tín dụng thì khó khăn vì không có tài sản thế chấp cũng như thủ tục phức tạp. Chính vì vậy, các app cho vay tiền online, các công ty P2P Lending như một sự cứu trợ nhanh chóng. Để có tiền, các khách hàng này cứ liều vay mà không nghĩ đến kế hoạch trả nợ thế nào. Đến hẹn, không trả được họ chỉ có cách im lặng, ngắt liên lạc, bỏ trốn,... thậm chí không ít người còn thách thức cả các công ty khi thu hồi hồi nợ.

Thứ hai, do tâm lý đám đông, khi trên cộng đồng mạng có một cơ số người tham gia vào các hội nhóm “bùng” nợ, mà còn bùng một cách thành công. Nếu quan sát trên đó sẽ thấy, nhiều người bùng nợ thành công lại hướng dẫn cho những người chưa bùng. Từ đó tác động đến những người không vững tâm lý, dễ dao động và dễ dàng làm theo các hành động xấu này.

Thứ ba, bản thân nhiều app cũng có quy trình cho vay online quá dễ dãi trong việc duyệt hồ sơ, dễ dàng giải ngân nên người dùng có cơ hội vay cao. Nếu khâu xét duyệt chuẩn, phân tích hồ sơ người vay tốt, thì việc hạn chế hồ sơ xấu sẽ giảm thiểu tỷ lệ bùng này rất nhiều. Trong đó, công nghệ thẩm định của nhiều công ty chưa hoàn thiện để lọt những thông tin nhiễu, chưa chính xác hay cơ chế, thuật toán lọc hồ sơ còn hạn chế. Đây là kẽ hở để những ai muốn bùng nợ sẽ khai thác để dễ dàng được giải ngân và sau đó không trả.

Cuối cùng là việc thu hồi nợ đối với người bùng nợ app còn chưa rõ ràng. Đây là vấn đề không đơn giản, đôi khi còn dẫn đến nhiều hậu quả xấu.

Ông Đỗ Mạnh Cường

Ông Đỗ Mạnh Cường

- Theo ông, vấn nạn "bùng" tiền app vay online đã, đang và sẽ tạo ra hệ luỵ gì đối với các doanh nghiệp P2P nói riêng và thị trường Fintech nói chung?       

Rõ ràng việc bùng tiền app vay online là việc không tốt và gây ra nhiều hệ lụy. Đầu tiên là tự gây áp lực tâm lý cho bản thân, sau đó là cho gia đình và đến những người liên quan. Không ít trường hợp người thân, gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm... của những người đi vay bị các công ty thu hồi nợ làm phiền, quấy rầy, làm xáo trộn cuộc sống.

Đối với xã hội, nó tạo nên một trào lưu không tốt, đưa người khác lao vào kiếm tiền bằng con đường gian dối, làm ảnh hưởng đến lòng tin và lo lắng về việc an toàn của các nhà đầu tư vào các công ty công nghệ, vào các app tài chính online. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào các công ty.

Hiện tượng này cũng gây khó khăn cho các công ty Fintech khi họ bị mất tiền, mất thời gian, nhân lực để thu hồi nợ, thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến thị trường đầu tư công nghệ nếu việc bùng nợ app còn diễn ra, ảnh hưởng đến nền kinh tế số mà Việt Nam đang hướng đến.

- Cần có biện pháp gì để kiểm soát vấn nạn “bùng” nợ app như hiện nay và các công ty Fintech nên ứng phó với vấn đề này như thế nào, thưa ông? 

Theo tôi, chúng ta phải hiểu được căn nguyên của hiện tượng để lý giải. Vì sao dễ cho vay nhưng khó trả nợ?

Thực tế cho thấy, ngoài thị trường không chỉ có các doanh nghiệp P2P Lending chân chính, thì còn có nhiều công ty cho vay trá hình, lãi suất “cắt cổ”. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp rời sân vì khó tìm kiếm lợi nhuận. Nếu không hiểu về cách tính lãi của các app tín dụng đen, người vay sẽ dễ bị lẩn quẩn trong vòng quay đó, khi trả gốc xong rồi mà cứ lãi mẹ đẻ lãi con, kiệt quệ quá phải bùng.

Do đó, chúng ta nên đẩy mạnh việc quản lý các công ty cho vay ngang hàng bằng những khung pháp lý cụ thể, tăng tốc quá trình cấp phép thí điểm sand-box về P2P Lending để người dân lựa chọn đúng công ty, được đảm bảo bằng uy tín, áp dụng lãi suất theo quy định.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tới người dân về việc vay dễ thì khó trả, người dân nên chủ động tìm hiểu thông tin trước khi vay, tránh việc bị “ép” vào con đường bùng nợ.

Mặt khác, trước khi lên án, các công ty cho vay hãy tạo cơ hội cho những người chậm nợ cơ hội thanh minh hay trình bày kế hoạch xử lý nợ, tạo điều kiện giãn nợ cho những trường hợp thực sự khó khăn.

Với các doanh nghiệp Fintech, cần kết hợp đủ ba yếu tố: Con người - Công nghệ -Quy trình. Trong đó, đội ngũ thẩm định phải là những người có nghiệp vụ, tích lũy nhiều năm kinh nghiệm trong xét duyệt hồ sơ. Trước khi giải ngân, nên trực tiếp giao tiếp với người vay để hiểu lý do, mục đích vay, qua trao đổi có thể phần nào đánh giá người dùng thay vì phó mặc cho máy móc.

Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ứng phó với vấn nạn "bùng" nợ các ứng dụng cho vay P2P tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711651508 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711651508 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10