Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), sự yếu kém năng lực quản trị HOSE bộc lộ rõ qua tình trạng nghẽn lệnh và cần có giải pháp khắc phục từ nhân sự.
Trong văn bản đến Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), VAFI đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng “nghẽn lệnh” trên sàn HOSE.
Hiệp hội này trước hết nhận định Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) như là "Trái tim thị trường chứng khoán Việt Nam", và hiện đang bị tổn thương suốt 3 tháng qua, hệ thống giao dịch HOSE thường xuyên diễn ra hàng ngày tình trạng đơ, nghẽn lệnh chứng khoán.
“Có thời điểm nhà đầu tư không thể biết quan hệ cung cầu trong giao dịch chứng khoán hoặc không thể mua, bán chứng khoán… đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế”, đại diện VAFI cho biết.
Đồng thời, VAFI cho rằng, sự yếu kém này không phải bây giờ mới lộ rõ mà trong mấy năm qua đã có vài trường hợp nghiêm trọng bị sập sàn chứng khoán, nhưng sau đó không có các giải pháp khắc phục hữu hiệu.
“Sự yếu kém năng lực quản trị HOSE còn thể hiện khi Dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn rằng bao giờ mới hoàn thành. Gần 10 năm trời mà không hoàn thành 1 dự án phần mềm không có gì là phức tạp lắm trong khi thông thường chỉ mất vài năm", VAFI nhấn mạnh.
Ngoài ra, VAFI còn cho rằng, HOSE cũng rất yếu kém trong khâu giám sát thị trường, vì để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng lừa đảo thao túng chứng khoán ngày càng phát triển đã tạo ra nhiều cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo.
“Cổ phiếu rác được chọn vào bộ chỉ số VN30 một cách dễ dàng và tồn tại trong nhiều năm, ban lãnh đạo HOSE có thể biện minh rằng họ chọn vì cổ phiếu rác đó thanh khoản tốt và đủ tiêu chí chọn lọc nhưng họ 'không biết rằng' tính thanh khoản đó là giả tạo, bị điều khiển bởi công ty chứng khoán của đội thao túng giá để dụ dỗ hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ vào ôm bom và từ đó các kẻ thao túng có cơ hội bán giấy lấy tiền thật với lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng", văn bản của VAFI viết.
Theo VAFI, tình trạng yếu kém như phân tích ở trên là do công tác bổ nhiệm nhân sự một số chức danh chủ chốt trong Ban Điều hành HOSE và Hội đồng Quản trị không đạt yêu cầu. Từ đó, VAFI đưa ra 3 đề xuất nhằm giúp “Trái tim thị trường Chứng khoán Việt Nam” không còn tổn thương, đồng thời để HOSE và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thật sự đổi mới và nâng cấp ngang bằng với các thị trường chứng khoán hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Thứ nhất, thuê nhân sự giỏi người nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm và thành tích quản lý vận hành các sở giao dịch nổi tiếng trên thế giới làm Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc phụ trách IT, giám sát thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HOSE). Những người này cũng phải có khả năng kiêm nhiệm các chức danh quản lý chủ chốt tại HOSE.
"Thuê người nước ngoài giỏi quản lý Sở giao dịch với chi phí không nhiều so với doanh thu hoạt động của HOSE và đem lại lợi ích rất lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán không thể phụ thuộc vào năng lực yếu kém của vài người và đến khi bị sự cố như hiện nay thì không thể nhanh chóng khắc phục được", đại diện VAFI nói.
Thứ hai, không bổ nhiệm lãnh đạo UBCKNN hay các cơ quan trong Bộ Tài chính vào các chức danh chủ chốt trong Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành của các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán như trước kia và hiện nay.
VAFI cho rằng, giữa quản lý hành chính nhà nước với quản lý doanh nghiệp là hoàn toàn khác xa nhau. Nhìn vào lịch sử phát triển của các doanh nghiệp mạnh không độc quyền thì các vị trí như chủ tịch HĐQT, TGĐ đều đi lên từ các nhân viên giỏi, kinh qua các cấp bậc từ thấp đến cao và họ đều giỏi ở tất cả các vị trí. Trong lĩnh vực tư nhân, Chủ tịch HĐQT chính là linh hồn của doanh nghiệp, còn với công chức được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch thì không thể là linh hồn của doanh nghiệp.
Thứ ba, cần nhanh chóng cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán để cho các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực theo hướng lựa chọn 1 Sở giao dịch chứng khoán nước ngoài có danh tiếng đang ở TTCK phát triển nhất làm cổ đông chiến lược. Cổ đông này sẽ có trách nhiệm chuyển giao công nghệ quản lý, đào tạo nhân sự.
Sở Giao dịch và Tổng công ty lưu ký sau cổ phần hóa phải hoạt động công khai minh bạch như công ty niêm yết và phải độc lập, thực sự tách rời Bộ Tài chính và UBCKNN và chịu sự quản lý giám sát đặc biệt từ Bộ Tài chính, UBCKNN.
Nhận định về các kiến nghị của VAFI, một chuyên gia cho biết còn có nhiều vấn đề. "Chưa nói tới việc đánh giá năng lực yếu kém trong quản trị hay quản lý hàng hóa cổ phiếu, song việc thuê CEO giỏi người nước ngoài chưa thực sự thuyết phục. Trên thực tế rất nhiều doanh nhân ngoại đầy kinh nghiệm đã đến Việt Nam và làm thuê CEO tại các tổ chức, định chế tài chính trong nước nhưng không tương thích và tồn tại được lâu, cũng không phát huy được hết hiệu quả. Nhiều CEO ngoại tại các ngân hàng đã lần lượt ra đi là ví dụ. Trong khi đó, Sở Giao dịch có "gốc rễ" là cơ quan Nhà nước, có vị trí đặc biệt và hoạt động đặc thù, chịu sử quản lý trực tiếp của Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính. Như vậy thì một CEO ngoại liệu có đất dụng võ?"
Cũng ông này nói thêm, đề xuất cổ phần hóa Sở Giao dịch và Trung tâm lưu ký là một kiến nghị hay và theo đúng định hướng Nhà nước sẽ cổ phần hóa và chọn cổ đông chiến lược để đổi mới DNNN, nâng cao năng lực quản trị. Vấn đề là cần xác định Sở Giao dịch và Trung tâm lưu ký có thuộc lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, ở đây là quản lý đầu tư, tài sản hàng hóa và giao dịch vốn?
Có thể bạn quan tâm