Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh.
Đây cũng yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh của mình.
Sáng nay 6/8, “Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng” đã được diễn ra.
Sự kiện được Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa Doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội và Hiệp hội phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức cũng là nhịp cầu nối để doanh nhân, doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cơ hội giao thương.
Có thể bạn quan tâm
07:35, 31/05/2019
07:29, 30/05/2019
17:00, 15/05/2019
08:00, 03/05/2019
Chia sẻ về việc xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) chia sẻ, văn hoá doanh nghiệp chính là “phần hồn của doanh nghiệp”, sẽ quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp. Việc xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả nhân viên, hướng mọi thành viên tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết và tạo động lực cho nhân viên, là nam châm thu hút nhân tài, cũng như tạo dựng cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh bền vững.
“Thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp đi song song với nhau, nếu có thương hiệu tốt sẽ là tiếng vang để doanh nghiệp phát triển. Ngược lại, một doanh nghiệp có văn hóa sẽ tạo ra sản phẩm tốt, có trách nhiệm với sản phẩm của mình” – bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hanoisme nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh thì: xây dựng văn hoá doanh nghiệp hiện nay chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến, hoặc chưa thực sự tham gia vào Cuộc vận động. Còn nhiều doanh nghiệp làm văn hóa không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp.
Ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá thể thao và du lịch, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức 248 cho hay: để doanh nghiệp phát triển "xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh".
Sau ba năm thực hiện Cuộc vận động phát triển văn hoá doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh nhận định đã có nhiều mô hình xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Từ các doanh nghiệp tiêu biểu, các doanh nghiệp truyền thống được nhân rộng và được áp dụng rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup cũng có thêm mô hình để học hỏi, tham quan, giao lưu.
Công nghệ, doanh nghiệp có thể mua được, con người cũng có thể thuê nếu trả mức lương cao nhưng văn hoá thì phải xây dựng và phát triển. Vì vậy, theo ông Mạc Quốc Anh việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt sẽ giúp công nhân viên, người lao động đoàn kết vì mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Nếu xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt còn hạn chế thì doanh nghiệp ngoại khi đầu tư vào Việt Nam sẽ mang theo văn hoá của họ và bản sắc của chúng ta sẽ bị mất đi. Chính vì lẽ đó, song song với việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh còn cần xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt, "văn hoá không bao giờ mất đi, còn công nghệ luôn luôn thay đổi nên các doanh nghiệp luôn luôn phải đầu tư thay đổi công nghệ, mẫu mã sản phẩm nhưng phải kiên định xây dựng văn hoá doanh nghiệp", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Vai trò văn hoá doanh nghiệp đã và đang ngày càng khẳng định được tầm quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Điều đó càng khẳng định chủ trương của Chính phủ về xây dựng văn hoá doanh nghiệp là hết sức đúng đắn, đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hoá doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững.
“Đã đến lúc phải nhìn nhận, văn hóa doanh nghiệp là mục đích của sự phát triển, vừa là động lực, vừa là mục tiêu, tùy trường hợp cụ thể. Bản chất doanh nghiệp sinh ra là để kiếm lợi nhuận, phát triển, nhưng muốn phát triển bền vững thì bắt buộc phải có văn hóa. Văn hóa không thể tự có. Các doanh nghiệp cần biết mình đứng đâu, làm gì, nhận thức lại mình, lợi thế tiềm năng của mình để tự sửa đổi theo hướng tốt lên, xây dựng bản sắc riêng mình” - ông Đàm Tiến Thắng Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.