Mặc dù đang bước vào thời điểm thu hoạch hồ tiêu vụ 2018, tuy nhiên, mất mùa vì dịch bệnh, giá thành giảm sâu cùng những thách thức về thị trường tiêu thụ năm 2018 sẽ khiến người trồng tiêu đón cái Tết buồn…
Nếu 5 năm trước, hồ tiêu được coi là “vàng đen” với người dân của vùng Tây Nguyên, thì từ năm 2017 tới nay, hồ tiêu đã thành “vận đen” của rất nhiều hộ nông dân trồng loại cây này.
Thời điểm đó, ngay cả Lào và Campuchia cũng đều đổ xô trồng loại cây “vàng đen” này, diện tích hồ tiêu ở Việt Nam cũng tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 8 năm gần đây (từ 2010 đến 2017), sản lượng theo đó tăng tương ứng. Trong khi đó, từ cuối năm 2017 giá hồ tiêu thế giới liên tục giảm sâu, cùng với đủ thứ dịch bệnh đã khiến nông dân trồng hồ tiêu đột nhiên từ chỗ giàu có chuyển sang nghèo khổ, nợ vay ngân hàng không trả được.
Thống kê thời điểm hiện tại ở Tây Nguyên, vùng trồng hồ tiêu lớn nhất cả nước, giá hồ tiêu khoảng từ 60.000 - 66.000 đồng/kg, giảm 7.000-8.000 đồng/kg so với đầu tháng 1/2018 và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.
Ngoài việc giá rớt thê thảm, mưa kéo dài trong năm 2017 còn khiến người dân không thể tiến hành cắt nước nhằm kích hoa cho hồ tiêu, dẫn tới nhiều vườn tiêu bị sâu bệnh tấn công, dẫn đến năng suất hồ tiêu năm nay giảm mạnh. Nhiều hộ nông dân cho biết mưa bão đã khiến những trụ tiêu chuẩn bị được thu hoạch ngập úng, gẫy đổ không thể phục hồi, số còn lại cũng bị ngập úng dẫn tới bệnh vàng lá, rụng đốt và héo dần.
Đơn cử, thống kê của ngành nông nghiệp huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, trên địa bàn có hơn 4.700 ha hồ tiêu, sản lượng bình quân đạt gần 12.000 tấn/năm. Niên vụ 2017 - 2018 này, sản lượng hồ tiêu giảm từ 25 đến 30% so với niên vụ trước, thậm chí một số nơi sản lượng sụt giảm hơn 50%. Ở các địa phương có diện tích hồ tiêu lớn như: Cư M'gar, Cư Kuin, và Ea Kar… của tỉnh Đăk Lăk hầu như đều mất mùa.
Trong khi đó để đầu tư cho mỗi trụ hồ tiêu cần số tiền lớn. Nhưng đến thời điểm được thu hoạch lại nhiễm bệnh chết, coi như người nông dân trắng tay.
Như vậy, với vụ tiêu năm 2018 này, người dân của vùng trồng hồ tiêu lớn nhất cả nước không chỉ thiệt hại vì giá giảm sâu, mà nhiều diện tích tiêu bị sâu bệnh còn khiến người nông dân thiệt hại “kép”.
Giá hạt tiêu trong nước giảm mạnh do diện tích trồng tăng mạnh. Một thời gian dài, giá tiêu trong nước cao ngất ngưởng, trong khi giá các sản phẩm nông nghiệp khác giảm mạnh khiến người nông dân đổ xô trồng hồ tiêu làm diện tích loại cây này tăng mạnh, nguồn cung dồi dào.
Thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2010 cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha hạt tiêu, con số này năm 2014 tăng lên 85,591 ngàn ha và đến hết 2017 là 152.668 ha. Như vậy, diện tích năm 2017 đã tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016, vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.
Trong khi đó, giá tiêu thế giới giảm, thậm chí còn được dự báo tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới do thừa nguồn cung. Hồ tiêu Việt còn gặp áp lực cạnh tranh lớn từ hạt tiêu Brazil, Inđônêxia, Êcuađo.
Đặc biệt, hai thị trường lớn nhất của tiêu Việt là Hoa Kỳ và EU với những rào cản kỹ thuật sẽ là thách thức với ngành. Cụ thể, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang có kế hoạch xem xét nâng mức giới hạn tối đa cho phép MRLs một số hoạt chất gồm Arcrimnathril, Tricyclazole, Metalaxyl… đối với hồ tiêu Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Tương tự, cuối năm 2016 EC đã dự kiến nâng mức MRLs Metalaxyl đối với hồ tiêu nhập khẩu từ 0,1ppm lên 0,05ppm.
Tuy nhiên, trước phản đối của Việt Nam và Ấn Độ, sau quá trình đàm phán tích cực của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, EC đã giữ nguyên mức MRLs Metalaxyl ở mức 0,1ppm đến hết năm 2018. Do đó, nếu không kiểm soát tốt về chất lượng, Việt Nam sẽ mất dần thị phần tại EU cũng như tại Hoa Kỳ, Ấn Độ. Do đó, các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, người trồng tiêu phải thay đổi theo hướng công nghệ cao, an toàn, nâng cao chất lượng để phát triển bền vững.
Hiện, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đang đẩy nhanh việc lập sàn giao dịch hồ tiêu để sớm kiểm soát giá trên thị trường. Trước đó, tháng 3/2017, Bộ Công Thương có quyết định đưa hồ tiêu vào danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam.