VCCI - Chuyện bây giờ mới kể

Trần Hữu Huỳnh - CHỦ TỊCH VIAC 28/04/2018 17:08

PCI và MEI không chỉ là “hàn thử biểu” đo môi trường kinh doanh mà còn là bản xét nghiệm giúp chính quyền các cấp biết được “sức khỏe” của chính mình.

Cộng đồng doanh nghiệp đã đồng hành cùng Nhà nước “xắn tay dọn dẹp” các trở ngại, rào cản để giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh, cải thiện lòng tin nhà đầu tư. Tuy vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng đường đã mở… các thống kê, xếp hạng cho thấy những chỉ dấu khá lạc quan.
Hiện nay, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã bước sang một trang mới. Nhà nước kiến tạo thông qua việc cắt giảm 40-60% điều kiện kinh doanh, giảm chi phí, giảm thủ tục, giảm bôi trơn, giảm hình sự hóa...

Những ngày gian nan

Nhớ lại cách đây vài mươi năm trước, khó khăn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh chồng chất, nhiều khi tưởng như bế tắc. Mặc dù Điều lệ VCCI qui định VCCI là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, có nhiệm vụ tập hợp, nghiên cứu ý kiến của các các doanh nghiệp để phản ánh, kiến nghị, tham mưu cho Nhà nước các vấn đề về pháp luật, kinh tế - xã hội để cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, không một văn bản nào, kể cả Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật (còn được gọi là “Luật về xây dựng luật”) không một dòng nào qui định về VCCI. Một số ban soạn thảo luật đã vin vào đây để không gửi dự thảo luật. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng chưa thật tin ở vai trò của VCCI trong việc này, khi họ thấy đây cũng chỉ là tổ chức phi chính phủ. Nhiều cán bộ quen “soạn luật trong phòng lạnh”, đút dự thảo trong ngăn kéo, có khi còn thản nhiên đóng dấu “Mật” vào dự thảo khiến cho VCCI, muốn có dự thảo để góp ý, lắm lúc cũng phải bó tay hoặc chỉ biết góp ý “chay”, chủ yếu về chính sách. Nhìn từ phía khác, các doanh nghiệp khi được VCCI mời họp, xin ý kiến góp ý về dự thảo luật, họ thản nhiên từ chối, với lý do khi thì lạnh lùng “gái góa không nói chuyện triều đình”, coi đó là việc của nhà nước, của VCCI, khi thì đơn giản “xin lỗi VCCI việc này em chỉ ba không: không biết, không quen, không phận sự”…

  Ngày nay, PCI và MEI không chỉ là “hàn thử biểu” đo môi trường kinh doanh mà còn là bản xét nghiệm giúp chính quyền các cấp biết được “sức khỏe” của chính mình, từ đó giúp cho việc “kê đơn, bốc thuốc” được chính xác, hiệu quả hơn. 

“Đau đẻ không đợi trăng sáng”, khó khăn từ cả hai phía nhưng VCCI không bó tay. Đối với các ban sọan thảo thì kiên trì thuyết phục, chọn dễ làm trước, khó làm sau, khi thì năn nỉ, khi thì ngoại giao, dần dần một số ban soạn thảo cũng chịu “nhả” dự thảo, đến VCCI trình bày. Đối với doanh nghiệp, VCCI dựa vào các luật sư chuyên tư vấn cho doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, tập hợp và kêu gọi họ ủng hộ đi trước sau đó thuyết phục dần các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia góp ý. Rồi trang web của VCCI (vibonline) chuyên đăng tải dự thảo luật kinh doanh ra đời, phản ánh được ý kiến cộng đồng, nêu được các khó khăn vướng mắc, đăng tải được các bản án của Tòa án có liên quan, bước đầu còn lác đác, sau đó lượng truy cập tăng dần và đến nay đã có mấy trăm triệu lượt người truy cập, trở thành trang web lớn nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực này. “Đầu xuôi, đuôi lọt”, được đà, VCCI tiếp tục kiến nghị Chính phủ đưa VCCI vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL) như là tổ chức đầu mối lấy ý kiến doanh nghiệp. Thử thách tưởng rất khó vượt qua vì Luật này không qui định vai trò của VCCI, sao Nghị định lại “dám” hướng dẫn?

Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì bền bỉ, nhờ thực tiễn hoạt động góp ý hiệu quả của VCCI cũng như áp lực từ cam kết minh bạch, công khai trong hội nhập quốc tế, lần đầu tiên, vai trò đầu mối tổ chức, tập hợp ý kiến doanh nghiệp, góp ý cho các dự thảo luật của VCCI đã được qui định tại Nghị định. Sau này, nội dung này được “nâng cấp” quy định trong Luật BHVBQPPL 2015. Các góp ý của VCCI luôn được các Ban soạn thảo đánh giá cao.

Chung tay với chính quyền

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng trưởng thành lên rất nhiều thông qua hoạt động này. Với phương châm “con có khóc mẹ mới cho bú”, họ đã vượt qua mặc cảm “gái góa” hoặc nỗi sợ vô hình sợ bị trả đũa, bị thanh kiểm tra để mạnh dạn góp ý, phản ánh môi trường kinh doanh để có kết quả như hôm nay, vai trò của các hiệp hội, các doanh nghiệp trong việc rà soát các điều kiện kinh doanh, phản biện, góp ý không chỉ cho các dự án luật mà cả cho các đề xuất, sáng kiến luật đã trở nên sôi nổi, kịp thời hơn. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua mạng xã hội lan truyền trong cộng đồng được tiếp sức bởi truyền thông, báo chí, việc làm luật ngày nay trở nên khó khăn, thách thức hơn nhưng cũng minh bạch và dân chủ hơn nhiều!

p/PCI đã trở nên quen thuộc với sự tham gia của 63 tỉnh thành, địa phương và trở thành một chỉ báo tin cậy và khách quan về chất lượng điều hành cấp tỉnh.

PCI đã trở nên quen thuộc với sự tham gia của 63 tỉnh thành, địa phương và trở thành một chỉ báo tin cậy và khách quan về chất lượng điều hành cấp tỉnh.

Và chuyện thứ hai: chấm điểm chính quyền qua PCI và MEI! Đây cũng là những việc gay go không kém. Trước hết là nhận thức từ cơ quan nhà nước về việc ai cho doanh nghiệp đánh giá, xếp hạng chính quyền? Vẫn biết chính sách của Đảng, Nhà nước là rất rõ ràng rằng Nhà nước là “của dân, do dân, vì dân”, rằng phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và rằng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tuy nhiên, việc VCCI tiến hành khảo sát, công bố kết quả “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI” và “Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ – MEI” đã gặp phải phản ứng từ một số tỉnh thành, bộ ngành. Cách phản ứng khá đa dạng: phớt lờ hoặc giả vờ phớt lờ, hoặc phản đối ra mặt, làm công văn gửi các nơi, gửi VCCI yêu cầu giải trình về căn cứ pháp luật, về phương pháp tiến hành, về độ chính xác của các chỉ số. Có tỉnh đáp trả bằng cách thuê chuyên gia tìm chỗ yếu trong phương pháp PCI hoặc tiến hành khảo sát độc lập để đối chứng. Với MEI, việc thông qua MEI cũng không hề dễ dàng, phải lách qua cánh cửa hẹp. Các nhóm nghiên cứu của VCCI về hai bộ chỉ số này đã phải kiên trì, nhẫn nhịn, “lì đòn” để khi bị động thì giải trình, trả lời tất cả các câu hỏi, chất vấn của bộ ngành, chính quyền các tỉnh, khi chủ động thì đem các kết quả đó cùng “ngồi” bàn với các đối tác cách khai thác, sử dụng. Ngày nay, PCI và MEI không chỉ là “hàn thử biểu” đo môi trường kinh doanh mà còn là bản xét nghiệm giúp chính quyền các cấp biết được “sức khỏe” của chính mình, từ đó giúp cho việc “kê đơn, bốc thuốc” được chính xác, hiệu quả hơn. Có thể nói từ PCI và MEI phương pháp đo lường chất lượng quản trị quốc gia trong lĩnh vực kinh doanh đã lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác ở cấp độ quốc gia thông qua lấy các chỉ số đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như WB, WEF, WIPO, UNDP và các tổ chức quốc tế khác để tiến hành các cuộc cải cách môi trường kinh doanh theo hướng thân thiện và cạnh tranh hơn.

Đúng như lời của người xưa “vốn xưa chưa có đường, nhờ người đi mà thành đường”! Vài chuyện trên đây của VCCI là minh chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VCCI - Chuyện bây giờ mới kể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO