Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo "Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018".
Báo cáo này chỉ rõ, ngay trong năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, một "đợt sóng" rà soát về điều kiện kinh doanh đã diễn ra, nhưng đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh của năm 2018 lại hoàn toàn khác biệt.
Có thể bạn quan tâm
16:15, 01/08/2018
11:02, 31/07/2018
13:56, 30/07/2018
Theo đó, tháng 3/2016, Chính phủ được kiện toàn. Sau đó ba tháng, đồng loạt các bộ gấp rút xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh để ban hành kịp thời điểm 1/7/2016. Đây là mốc thời gian có hiệu lực cuối cùng của các điều kiện kinh doanh ban hành không phù hợp với điều 7 Luật đầu tư 2014.
Theo VCCI thì việc Luật đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) đưa ra thời hạn hiệu lực 1 năm cho các điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền, được xem như là "tối hậu thư" và là chế tài mạnh mẽ đối với các điều kiện kinh doanh không phù hợp.
"Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, hoạt động rà soát, xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh lại thực hiện dồn dập - rất nhiều văn bản được xây dựng theo quy trình rút gọn, vào tháng cận cuối của kì hạn. Có gần 50 nghị định về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực được ký ban hành và phát sinh hiệu lực vào ngày 1/7/2016", VCCI bình luận.
Hoạt động rà soát của năm 2016, theo báo cáo, được thực hiện trong bối cảnh khá đặc biệt, chưa thực sự mang tính chủ động từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động này chưa thể hiện được tính chất của hoạt động rà soát điều kiện kinh doanh (chủ yếu là nâng điều kiện ở cấp thông tư lên nghị định để đảm bảo phù hợp về mặt thẩm quyền, còn chưa thực chất đánh giá về tính hợp lý, cần thiết của các điều kiện kinh doanh này).
Mặt khác, hoạt động này được thực hiện "một cách vội vã" vì vậy dù có muốn cũng khó lòng thực hiện được hết tính chất rà soát về điều kiện kinh doanh cần phải có.
“Đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh của năm 2018 lại hoàn toàn khác biệt. Cùng tính chất là rà soát, nhưng lại được thực hiện trong tâm thế chủ động, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, từ Chính phủ đến các Bộ”, báo cáo của VCCI nêu.
Thông tin từ hội thảo cho thấy, đến tháng 6/2018, rất nhiều phương án (khoảng 11 bộ) đã được đưa ra với kết quả dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa đều trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh - phù hợp với mục tiêu của Chính phủ đặt ra từ đầu năm.
Trong phương án hầu hết các điều kiện kinh doanh hiện hành trong các lĩnh vực đều được đánh giá để cân nhắc xem giữ lại hay bãi bỏ/sửa đổi. Các điều kiện kinh doanh đã được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đặc biệt yếu tố tác động đến trật tự công quy định tại khoản 1 điều 7 Luật đầu tư 2014 đã được sử dụng làm tiêu chí để xem xét, đánh giá.
Như vậy có thể thấy, đợt rà soát năm 2018 đã thể hiện được đúng tinh thần của hoạt động rà soát, có tính cải cách, hướng đến môi trường kinh doanh thuận lợi, VCCI đánh giá.
Phân tích từ VCCI thì Bộ Công Thương được xem là cơ quan đi đầu trong hoạt động rà soát các điều kiện kinh doanh, bằng việc đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện, chiếm hơn 55% số điều kiện trong toàn ngành công thương.
Bộ cũng đồng thời gấp rút soạn thảo và trình ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh để hiện thực hóa các phương án này. Đây được xem là hành động rà soát mở đầu cho làn sóng cải cách lần này.
Tuy vậy, nhưng, cũng theo VCCI, vẫn chưa có sự “đều tay” trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, vẫn còn những quy định mà theo VCCI thì cộng đồng doanh nghiệp nói… mãi không sửa như quy định về trần khuyến mãi.
Vì vậy, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần tăng cường cơ chế kiểm soát, bởi việc cắt giảm điều kiện nào, đơn giản hóa điều kiện nào đều dựa vào đánh giá của cơ quan chủ trì. "Kể cả khi, phương án được lấy ý kiến, việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến góp ý cũng dựa vào ý chí của cơ quan soạn thảo mà không có bất kì một cơ quan nào xem xét" - ông Tuấn nhấn mạnh.