Tiếp nối những thành công trong giai đoạn trước, các hoạt động đối ngoại của VCCI ngày càng mạnh mẽ, góp phần hiệu quả thúc đẩy hợp tác kinh tế và công tác ngoại giao nhân dân.
Tính đến nay, VCCI đã thiết lập quan hệ hợp tác với trên 120 phòng thương mại và các tổ chức xúc tiến thương mại trên thế giới. VCCI còn là thành viên của các hiệp hội, liên đoàn các phòng thương mại quốc tế và khu vực như Phòng Thương mại quốc tế (ICC), Phòng Thương mại ASEAN (ACCI), Liên đoàn Phòng Thương mại Châu Á – Thái bình dương (CACCI)… Thông qua mạng lưới này, VCCI đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và hợp tác đầu tư - kinh doanh.
Hợp tác ngày càng sâu, rộng
Việc tham gia tích cực các hoạt động của các tổ chức này góp phần thúc đẩy, mở rộng hợp tác quốc tế của Việt Nam với khu vực và các nước trên thế giới, đồng thời có ý nghĩa thiết thực trong việc nắm bắt thông tin về chính sách, chương trình hợp tác, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương, đồng thời khuyến nghị các biện pháp thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp. Cụ thể: VCCI tích cực tham gia các đoàn đàm phán về kinh tế - thương mại, các Uỷ ban song phương và đa phương về hợp tác kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế như WTO, APEC, ASEAN, CACCI, GMS, ACMECS, PECC… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
Có thể bạn quan tâm |
VCCI hiện đang tham gia Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (APEC BAC - ABAC) và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) do Chính phủ bổ nhiệm. Các hội đồng tư vấn này là cầu nối chính thức của khối doanh nghiệp Việt Nam với các khối doanh nghiệp khu vực (APEC, ASEAN) và là cơ chế đối thoại, khuyến nghị chính sách với Chính phủ Việt Nam và các nước APEC/ASEAN của cộng đồng doanh nghiệp. VCCI đang cùng ASEAN BAC xây dựng hệ thống AMEN tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập kinh tế khu vực.
Trong năm 2017, VCCI đã tổ chức thành công các sự kiện hội nghị liên quan đến doanh nghiệp trong khuôn khổ APEC do Chính phủ giao phó như Hội nghị ABAC, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC - CEO Summit 2017, Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017, Đối thoại Công - Tư về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC - Diễn đàn Doanh nhân nữ: Phụ nữ là Doanh nhân… Trong đó, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (7/11/2017) lần đầu tiên được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ đã thành công rực rỡ. Hội nghị đã thu hút gần 2.000 đại biểu từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Hội nghị được các đại biểu quốc tế đánh giá cao, coi đây là một sáng kiến rất tốt của Việt Nam mà các nước có thể học tập. Bên cạnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham gia của 10 lãnh đạo cấp cao APEC và hơn 2.100 đại biểu tham dự (gồm lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các đại biểu gồm doanh nghiệp nước ngoài và trong nước). Đây là một hội nghị lớn nhất trong lịch sử tổ chức các hội nghị APEC CEO Summit.
Ngoài ra, VCCI cũng tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh kỷ niệm 50 năm ASEAN tháng 11/2017, tại Philippines, đồng thời đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đạt Giải thưởng doanh nghiệp tốt nhất ASEAN.
VCCI là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về chương trình dự án cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia, hiện đang cùng với ngành hải quan, tiếp tục khuyến nghị cải cách hơn nữa nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thủ tục thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
VCCI tham gia vào Ban lãnh đạo của Hội đồng doanh nghiệp tiểu vùng Mê-kông (GMS BC) và rất tích cực ủng hộ các các hoạt động của GMS BC kể từ khi được thành lập năm 2000, hướng tới mục tiêu hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp trong khu vực bắt kịp với việc tuân thủ thông lệ kinh doanh quốc tế và thu hút đầu tư giữa các nước trong khu vực và từ ngoài khu vực.
Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) thuộc VCCI giữ vai trò là Chủ tịch Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN 2014-2016) đã tổ chức nhiều hoạt động dành riêng cho các doanh nhân nữ trong khu vực nhằm cung cấp thông tin về những cơ hội cũng như thách thức tiềm ẩn để các doanh nhân nữ chuẩn bị tâm thế, nguồn lực đón bắt và biến cơ hội thành hiện thực.
Nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, VCCI hiện đang vận hành một loạt diễn đàn doanh nghiệp, hội đồng doanh nghiệp nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các khu vực thị trường trọng điểm như EU, Bắc Mỹ và Mỹ La tinh, châu Phi và Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ… VCCI hàng năm phát hành Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam, là một trong những tài liệu quan trọng, giúp các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ về tình hình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam qua từng năm, trên cơ sở đó xây dựng những hướng đi thích hợp phục vụ cho việc phát triển kinh doanh ở Việt Nam.
Động lực thúc đẩy ngoại giao nhân dân
Với vị thế là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp – một thành tố quan trọng trong kết cấu xã hội Việt Nam, mà người dân ở vị trí trung tâm, doanh nghiệp giữ vai trò động lực, VCCI đã tích cực với sứ mệnh của mình trong công tác ngoại giao nhân dân. Trong quá trình thực hiện các hoạt động đối ngoại nhân dân, VCCI đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã từng bước xây dựng được vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thúc đẩy hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhân dân; góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới; đồng thời tranh thủ nguồn lực nước ngoài, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
VCCI đã thiết lập quan hệ hợp tác với trên 120 phòng thương mại và các tổ chức xúc tiến thương mại trên thế giới, đồng thời là thành viên của các hiệp hội, liên đoàn các phòng thương mại quốc tế và khu vực .
Thông qua các hoạt động đối ngoại chắp mối doanh nghiệp như tổ chức đoàn ra, đón đoàn vào, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế để tăng cường phổ biến thông tin cho bạn bè quốc tế, làm cho bạn bè quốc tế đặc biệt là giới doanh nhân – nòng cốt cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước con người Việt Nam, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của đội ngũ doanh nhân nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung cho các hoạt động đối ngoại bảo vệ chủ quyền và xây dựng đất nước. Các hoạt động này cũng sẽ góp phần xây dựng tư duy tích cực cho doanh nghiệp trong hội nhập.
VCCI đã triển khai các dự án thúc đẩy thực hiện đạo đức, liêm chính trong kinh doanh, dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược cạnh tranh hiệu quả, bền vững.
Trong nhiệm vụ năm 2018 và giai đoạn tới, VCCI hết sức chú trọng các nhiệm vụ phục vụ hợp tác phát triển kinh tế và thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, VCCI sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp để thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân.
Đặc biệt, VCCI sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 09 của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành trung ương lần thứ 5, khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Các hoạt động xây dựng, góp ý chính sách pháp luật, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế sẽ tiếp tục được VCCI tham gia và tổ chức doanh nghiệp, hiệp hội góp ý. Cùng với đó, VCCI đang xây dựng các chương trình, dự án quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Để tăng cường cơ chế đối thoại, VCCI sẽ chủ động chủ trì các diễn đàn như Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam, Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp, các diễn đàn doanh nghiệp và Hội đồng kinh doanh giữa Việt Nam với các thị trường trọng điểm để tiến tới xây dựng các hiệp hội ngành nghề doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường đối tác chiến lược.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu mà vị thế của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới, VCCI sẽ chuyển mạnh sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung” và bộ máy Chính phủ đang chuyển biến mạnh mẽ theo mục tiêu Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo thì những nỗ lực của VCCI về đối ngoại sẽ tiếp tục góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.